Giá nào cũng bán
Trong những vùng chè chất lượng tốt nhất của đất chè Thái Nguyên, Tân Cương mặc nhiên được xếp đầu, bởi bên cạnh thổ nhưỡng là tay nghề vượt trội của những người làm chè. Có thị trường ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới, sức tiêu thụ và giá bán sản phẩm chè Tân Cương cũng luôn ở mức cao. Thông thường, giá bán chè móc câu trung bình từ 250 nghìn đồng/kg – 500 nghìn đồng/kg, chè tôm nõn giá 600 nghìn – 750 nghìn đồng/kg, chè đinh từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg…
Hàng tấn chè đặc sản Tân Cương được tiêu thụ tại mỗi phiên chợ chè |
Từ đầu tháng Năm, vùng chè bắt đầu nhộn nhịp vào mùa chính vụ do cây chè phát triển đặc biệt mạnh vào những tháng mùa hè. Tuy nhiên, thay vì niềm vui do sản lượng tăng cao, người làm chè Tân Cương đang rầu rĩ bởi giá chè búp tươi đã rớt thẳng đứng từ 35 nghìn – 40 nghìn đồng/kg xuống còn 15 nghìn – 20 nghìn đồng/kg, kéo theo giá chè khô cũng giảm sâu. “Lỗ sấp mặt” là câu cửa miệng của các hộ làm chè ở khắp các vùng chè thuộc tỉnh Thái Nguyên trong những ngày đầu tiên vào mùa chính vụ chè năm 2024.
Hai chợ chè lớn nhất là chợ xã Phúc Xuân (họp phiên vào các ngày 1,4,6,9 âm lịch) và chợ xã Phúc Trìu (họp phiên vào các ngày 2,5,7,10 âm lịch). Xã Tân Cương cũng có chợ, trước đây mua bán chè cũng rất nhộn nhịp nhưng không hiểu sao gần đây không có người đến thu mua nên chè Tân Cương cũng đổ về hai phiên chợ trên. Bà Vân (xóm Guộc, xã Tân Cương) nhiều năm buôn bán chè tại các chợ phiên, nói rằng mới vào chính vụ mà chè Tân Cương “xịn đét” cũng khó tiêu thụ chứ đừng nói ở các vùng ít nổi tiếng. Từ 100 nghìn đồng/kg búp khô là đã “ngon rụt lưỡi”, thuộc hàng loại 1 chất lượng tương đương loại chè có nhãn mác, thương hiệu đang bán 300 nghìn – 400 nghìn.
Nhìn những bao chè ngổn ngang và vẻ mặt buồn bã của những người bán chè, bà Vân chép miệng nói:
– Vào thời điểm chính vụ, sản lượng chè quá lớn, cung vượt xa cầu, nên dù có bị ép giá thì vẫn phải bán bởi ít cơ sở có điều kiện về vốn và kho để trữ hàng đợi lúc đắt. Giá mỗi ngày mỗi xuống, từ 150 nghìn đồng/kg búp khô xuống 120 nghìn, thậm chí khách chỉ trả 85 nghìn đồng/kg cũng bán. Giá chè năm nay quá thấp so với những năm trước.
Mỗi phiên chợ, hàng chục xe tải từ nhiều tỉnh thành đổ về mua chè, khoảng từ 7- 10 tấn chè búp khô được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu thô, cùng chung một quy cách đóng gói hàng chục ký trong bao nilong to, lẫn lộn “vàng thau”, đến tay người tiêu dùng thì không cách nào phân biệt đâu chè “an toàn”, đâu chè “thuốc sâu”, chè “nhuộm”…
Hiện nay, trên địa bàn các xã thuộc vùng chè Tân Cương có hàng chục Hợp tác xã và cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè liên kết với các hộ gia đình theo chuỗi liên kết để thiết lập vùng nguyên liệu và được cấp mã vùng trồng. Tuy nhiên, sản lượng chè có nhãn mác, bao bì, có thương hiệu được tiêu thụ qua các HTX, các cơ sở kinh doanh chỉ chiếm số ít, phần lớn vẫn chỉ được tiêu thụ dưới dạng chè nguyên liệu tại các chợ xã với mức giá chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba.
Chè cổ quý hiếm bị bỏ rơi
Mang mẻ chè “đẹp như tiên” đến chợ chè Phúc Xuân, chị Hương, một hộ làm chè tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương đứng cả buổi vẫn không có người hỏi mua. Nếu như xã Tân Cương được biết đến là vùng chè chất lượng tốt nhất Thái Nguyên thì chè xóm Hồng Thái 2 lại đứng nhất Tân Cương. Sản phẩm chè búp của chị Hương được giới buôn khen “đẹp long lanh”, cánh chè nhỏ xoắn chặt, cả hình thức và hương vị không hề thua kém chè tôm nõn cao cấp. Dù chỉ dám phát giá 200 nghìn đồng/kg vẫn bị chê quá đắt so với mặt bằng chung. Chị Hương tâm sự vì chè đẹp quá, tiếc công tiếc của nên phải tự hái, thuê sao và đem ra chợ bán, vừa lỗ vốn vừa mất ngày mất buổi. Cùng thời gian đó nếu chị đi hái chè thuê thì thu nhập cao hơn nhiều. Nếu lứa sau giá cả vẫn ảm đạm như này thì chắc chị phải bỏ chè.
Gia đình anh Tuấn Vũ, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu có 4.000 m2 chè giống TRI 777 gần 10 năm tuổi, mỗi lứa thu hái được 5 tạ búp tươi. Vườn chè nằm trên một quả đồi trong lòng hồ Núi Cốc, nổi tiếng ngon và sạch nhưng khi chè đến lứa, anh gọi mối quen và được trả lời là chỉ mua búp khô với giá 70 nghìn đồng/kg và mối cũng báo luôn nếu anh bán được cho người khác thì cứ bán vì họ cũng đang ế ẩm. Anh Vũ nhẩm tính, giá thuê hái rẻ nhất cũng 13 nghìn đồng/kg búp tươi, giá thuê sao sấy 35 nghìn đồng/kg thành phẩm, chỉ tính riêng chi phí hái và sao sấy đã lỗ hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, để có chè thương phẩm, mỗi lứa anh phải mua thuốc và thuê người phun thuốc trừ sâu 6 lần, tổng chi phí trên 5 triệu đồng. Như vậy, mỗi lứa chè, tính sơ sơ thiệt hại cả chục triệu đồng nên anh đã bỏ không thu hái, dự tính sang tháng sẽ chặt bỏ để trồng loại cây khác.
Người làm chè Tân Cương đang “khóc chảy máu mắt” vì chè là có thật. Để có năng suất, chất lượng vượt trội, các nương chè đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về tiền bạc, công nghệ. Giá chè quá thấp, không chỉ dân làm chè khổ mà các xưởng chế biến cũng “méo mặt”, nhiều xưởng đã phải đóng cửa, chủ xưởng lâm vào cảnh nợ nần. Giá thuê hái những năm trước 20 nghìn đồng/kg búp tươi nay giảm còn 12-15 nghìn đồng/kg nhưng càng làm càng thua lỗ nên không ít hộ đã “đắng lòng” thuê người phát bỏ những luống chè đặc sản đang trổ búp mơn mởn và bỏ không chăm bón.
Ngay tại đất tổ của chè Tân Cương, xóm Nam Sơn và xóm Guộc – nơi trồng những cây chè Tân Cương đầu tiên cách đây hơn 100 năm, cũng là nơi có sản phẩm “chè cánh hạc” giành giải Nhất tại cuộc đấu xảo Hà Nội năm 1935 để từ đó chè Thái Nguyên vang danh “đệ nhất danh trà”, người dân cũng không còn thiết tha với chè.
Ông Nguyễn Duy Tiên, 73 tuổi, Bí thư Chi bộ xóm Nam Sơn nói đầy vẻ nuối tiếc:
– Vì làm chè không hiệu quả kinh tế nên các cháu đi công nhân hết. Số hộ làm chè chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các vườn chè hoặc bị đốn bỏ để trồng cây ăn quả hoặc trồng keo mục đích để hạn chế cỏ mọc, trong các đồi keo đó còn khá nhiều gốc chè trung du có lẽ phải từ 50 – 70 năm tuổi đang chết dần chết mòn. Hương vị chè Tân Cương truyền thống rất đậm đà, đặc biệt hậu rất sâu, uống một lần là nhớ mãi, khác hẳn các loại chè trồng sau này.
Chè đặc sản Tân Cương đang được bán lẻ 100 nghìn đồng/kg – Ảnh: Ý Như |
Nhằm bảo vệ thương hiệu “chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương”, thời gian vừa qua thành phố Thái Nguyên đã có đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021- 2025”. Theo nội dung đề án, đến năm 2025 diện tích vùng chè đạt 1.700 ha, năng suất chè búp tươi 155 tạ/ha, giá trị thu nhập đối với mỗi ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó là trồng thay thế và trồng mới ít nhất 300 ha chè trung du, phấn đấu diện tích chè trung du đạt trên 30% tổng diện tích.
Chia sẻ thật lòng, nhiều người kinh doanh chè cho rằng vùng chè Tân Cương nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung không nên mở rộng diện tích trồng chè thêm nữa mà cần quản lý thật chặt chất lượng sản phẩm, tìm đầu ra ổn định để người dân có thu nhập, yên tâm sản xuất. Hơn nữa, các cấp chính quyền cần khẩn trương kiểm kê số cây chè trung du cổ thụ – hương vị “hồn cốt” của chè Thái Nguyên để có biện pháp bảo tồn trước khi quá muộn.