Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi 40, hiện tượng giảm chiều cao sẽ ngày càng rõ rệt.
Chiều cao giảm bao nhiêu khi về già?
Theo một nghiên cứu về lão hóa của nam giới và phụ nữ từng được đăng trên tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ, con người không cao lên mãi mà đến một độ tuổi nào đó sẽ bắt đầu thấp đi.
Theo đó, cơ thể một người sẽ phát triển đạt đỉnh về chiều cao khi ở độ tuổi trưởng thành (giai đoạn 30 tuổi). Bắt đầu từ năm 40 tuổi trở đi, chúng ta thường giảm khoảng 1,2cm chiều cao sau mỗi 10 năm tuổi và tốc độ giảm chiều cao sẽ nhanh khi ta bước vào độ tuổi 70.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho thấy tình trạng giảm chiều cao liên quan đến những thay đổi lão hóa ở xương, cơ và khớp. Các đĩa đệm cột sống, những đệm giống gel nằm giữa các đốt sống, hoạt động như thiết bị giảm xóc, giữ cho lưng của người linh hoạt.
Khi còn trẻ, 80% đĩa đệm chứa nước. Năm tháng trôi qua, đĩa đệm mất đi dịch nhờn, không chống chọi được với hao mòn tự nhiên và bị nén phẳng ra. Không gian giữa các khớp ở người bị thu hẹp, cột sống cũng ngắn lại.
Các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai cho biết hầu hết người độ tuổi 60 bị thoái hóa đĩa đệm ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất con người giảm chiều cao sau tuổi trung niên. Cơ bắp cũng là yếu tố quan trọng. Bắt đầu ở tuổi 30, nhiều người mắc chứng giảm cơ, tức là mất khối lượng và sức mạnh cơ xương. Tình trạng này có thể khiến một người giảm từ 3 đến 5% khối lượng cơ thể sau mỗi thập kỷ, theo nghiên cứu của Harvard Health.
Đặc biệt, cơ thân (vốn có nhiệm vụ giữ lưng thẳng) bị suy yếu có thể gây ra tư thế khom lưng, khiến nhiều người trông thấp hơn.
Khi già đi, vòm bàn chân của nhiều người cũng bị dẹt do thoái hóa dây chằng, khiến chiều cao giảm đi vài milimet.
Nghiên cứu của JAMA cho thấy dù giảm chiều cao gây ra các vấn đề sức khỏe, song nó có thể là dấu hiệu của chứng loãng xương. Đây là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người Mỹ, làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống hoặc gãy xương do nén.
Tình trạng này khiến cột sống xẹp xuống, làm giảm chiều cao. Hầu hết người bệnh không đau đớn ngay lập tức. Sau một thời gian, họ có triệu chứng đau lưng hoặc tê, ngứa ran phần lưng, đi lại khó khăn.
Giảm chiều cao có thể khiến chỉ số khối cơ thể (BMI) thay đổi. Nếu BMI tăng lên, một người dễ chuyển từ trạng thái khỏe mạnh sang thừa cân. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng BMI tăng nhẹ do chiều cao giảm không tác động quá nhiều đến sức khỏe.
Làm thế nào để ngăn ngừa giảm chiều cao khi về già?
Theo các chuyên gia, giảm chiều cao khi về già là hiện tượng tự nhiên của cơ thể và không có cách nào ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, mỗi người hoàn toàn có thể chăm sóc sức khỏe xương khớp từ sớm để hạn chế tốc độ giảm chiều cao khi về già.
Xương khớp cũng như cơ thể, cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và cung cấp đầy đủ những dinh dưỡng cần thiết để nó luôn khỏe mạnh phục vụ quá trình vận động của con người. Tập các bài tập phù hợp như bơi lội, đi bộ, yoga; thay đổi lối sống và bổ sung vitamin D, canxi trong chế độ dinh dưỡng là những khuyến cáo giúp sức khoẻ hệ xương khớp vững chắc hơn.
Nếu tốc độ giảm chiều cao diễn ra quá nhanh và thường xuyên bị đau lưng, thì nên đến các cơ sở y tế kiểm tra, vì có thể đã mắc các vấn đề về xương, chẳng hạn như bị loãng xương.
Phương Anh