Tự hào dưới bóng quân kỳ

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam bằng tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, không quản ngại hy sinh, gian khổ đã xây đắp nên truyền thống anh hùng, luôn xứng đáng với tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Mang danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, những quân nhân quê hương Đất Tổ ở thời kỳ nào cũng luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tự hào tiếp bước dưới bóng quân kỳ.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), Báo Phú Thọ giới thiệu đến bạn đọc những ý kiến thể hiện tâm tư, tình cảm của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Hữu Quyền (khu 5, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh), Thiếu tá Chu Đình Tuấn – Ban CHQS huyện Cẩm Khê và anh Nguyễn Thành Công ở khu Bình Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê là quần chúng ưu tú tình nguyện lên đường nhập ngũ…

Tự hào dưới bóng quân kỳ

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Hữu Quyền: “Dù có phải ăn gạo rang qua ngày, dầm mưa rét, đêm nằm giáp lòng địch thì bộ đội chúng tôi vẫn quyết tâm phải cắm bằng được ngọn cờ giải phóng trên cao điểm 689”

Tôi sinh ra và lớn lên ở quê hương Phù Ninh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 20 tuổi tôi xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đội 8, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Tháng 6/1968, đơn vị nhận lệnh tập kích chiếm giữ cao điểm 689 để chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh (Quảng Trị). Thời điểm đó, cao điểm 689 có ý nghĩa rất quan trọng, khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm như: Sân bay Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá… Nếu mất 689 là mất tất cả. Vì thế, lực lượng quân đội Mỹ ở đây được tăng cường tối đa về vũ khí và quân số lên đến 1.200 người với sự yểm trợ của pháo và 2 căn cứ kế cận là điểm cao 845 và 832. Đơn vị tôi đảm nhiệm hướng chiến đấu chủ yếu của Tiểu đoàn tiến công cứ điểm 689. Trong lịch sử, lần đầu tiên Trung đoàn 246 dùng bộ binh đánh tập kích. Với vai trò là người chỉ huy trận đánh, tôi đã cùng đồng đội đánh trận quyết định, tiêu diệt toàn bộ quân địch trên Cao điểm 689 vào ngày 7/7/1968 và cắm lá cờ giải phóng sau 11 ngày đêm giao tranh ác liệt. Với chiến thắng này, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích phi thường là đánh bại một lực lượng quân đội tinh nhuệ của Mỹ, có sự hỗ trợ tối đa của bộ máy quân sự khổng lồ và phương tiện chiến tranh hiện đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, làm nên chiến thắng lịch sử Khe Sanh năm 1968, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa. Tiểu đoàn 3 đã đánh bại một tiểu đoàn thủy quân lục chiến thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 689 tên địch và bắn rơi 21 máy bay.

Cao điểm 689 ngày ấy ác liệt vô cùng và từng được ví như đồi A1 trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đến sắt thép cũng phải cháy nhưng tinh thần chiến đấu của bộ đội ta thì không thể nung chảy. Điều đó cho thấy quyết tâm diệt giặc của quân và dân ta lên cao chưa từng có như ngọn lửa thiêu đốt quân thù. Chiến đấu không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát. Tôi may mắn trở về trong khi nhiều đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Từ trận đánh đó cùng một số trận đánh giành thắng lợi sau này, cuối năm 1969, tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm nay dù đã ngoài 80 tuổi, mắt mờ, chân chậm nhưng những năm tháng ấy với tôi là kỷ niệm hào hùng còn mãi vang vọng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng niềm tự hào được đứng trong đội ngũ QĐND Việt Nam cùng những kỷ niệm về một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tôi với niềm tin chiến thắng dù có phải trải qua bao khó khăn, gian khổ, đối mặt với hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng quyết phải giành cho được chiến thắng.

Tự hào dưới bóng quân kỳ

Thiếu tá Chu Đình Tuấn: “Tự hào, tiếp bước các thế hệ cha anh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh”

Năm 20 tuổi tôi vinh dự được khoác lên mình bộ quân phục xanh và kể từ đó đến nay, trải qua 26 năm trong quân ngũ, dù ở vị trí công tác nào tôi luôn gương mẫu trong mọi công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc khoa học, hiệu quả, tác phong nghiêm túc. Kể từ năm 2016 đến nay, trên cương vị là Trợ lý Quân lực Ban CHQS huyện Cẩm Khê, hằng năm, tôi đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ công tác động viên quân đội, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi tham mưu cho Ban CHQS huyện trình UBND huyện ban hành kế hoạch tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, quyết định kiện toàn Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng cụ thể, chặt chẽ. Cùng với đó, tôi còn trực tiếp chỉ đạo Ban CHQS các xã, thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp chủ động kiện toàn Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, thị trấn đúng thành phần, cơ cấu. Tôi luôn xác định kiểm tra, huấn luyện sẵn sàng động viên quân nhân dự bị là một nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng lực lượng dự bị động viên nhằm nắm chắc quân số, chất lượng chính trị, khả năng sẵn sàng động viên của quân nhân dự bị xếp cho các đơn vị dự bị động viên, phát huy hiệu quả trong việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị… Năm 2024, tôi còn tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Bộ CHQS tỉnh tổ chức với mô hình bình nước lọc cá nhân dùng cho khi tham gia diễn tập chiến đấu vùng đóng quân không có nước sạch để sinh hoạt. Mô hình của tôi đã đạt giải C.

Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng, đã đứng trong quân ngũ, việc sẵn sàng nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ bất kể nơi đâu, bất kể giờ giấc nào đã trở thành việc làm thường ngày. Trong thời bình, QĐND Việt Nam vẫn giữ vai trò xung kích, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các tình huống cấp bách, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống dịch bệnh… để luôn xứng đáng với tên gọi QĐND tức là từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.

Tự hào dưới bóng quân kỳ

Anh Nguyễn Thành Công: “Bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của thế hệ thanh niên hôm nay”

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng khi có ông nội từng tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, bố và bác trai cũng đều là bộ đội. Vì thế, việc tham gia nghĩa vụ quân sự với tôi là thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của thanh niên thời đại hôm nay, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Được kế thừa truyền thống hào hùng của lớp cha anh đi trước, tôi càng hiểu rõ hơn trọng trách của chính mình và hơn bao giờ hết tôi hiểu rõ rằng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của người thanh niên.

Là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong thời gian tham gia sinh hoạt Đoàn, tôi được rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, tinh thần yêu nước, trách nhiệm của tuổi trẻ. Bản thân tôi nhận thấy việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ. Chính vì thế, tôi cần phải đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Với tôi, quân đội là ngôi trường lớn của thanh niên. Tạm gác lại việc học tập sau khi tốt nghiệp Trung cấp nghề điện công nghiệp, tôi tình nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự với mong muốn sẽ được rèn rũa bản thân để trưởng thành hơn và được cống hiến lâu dài trong môi trường quân ngũ, góp phần xây dựng quân đội ta ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Hồng Nhung (thực hiện)