Trống đất Hương Cần: Tiếng vọng văn hóa Mường

Tìm đến khu Khoang, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn với mong muốn tìm hiểu về kỹ thuật làm trống đất, một nhạc cụ truyền thống đặc sắc của đồng bào Mường, chúng tôi đã gặp ông Hà Ngọc Bảo, 65 tuổi, dân tộc Mường. Câu chuyện của ông không chỉ là hành trình bảo tồn một di sản văn hóa, mà còn là niềm đam mê và sự mong mỏi, tận tâm muốn truyền dạy cho thế hệ sau những bí quyết làm nên âm thanh độc đáo của trống đất để rồi có thể thành thạo chơi loại nhạc cụ đặc biệt của dân tộc.

Trống đất trong tiếng Mường gọi là “Toòng Tửng”, từ lâu đã trở thành biểu tượng âm nhạc đặc trưng của người Mường. Theo ông Bảo kể lại, tương truyền, vào thời Vua Hùng thứ 6, sau khi chiến thắng trở về, nhà vua cùng quân sĩ đã nghỉ ngơi tại khu vực huyện Thanh Sơn. Trong khi dựng trại và đào đất để chôn cọc, khi nằm xuống nghỉ, nhà vua vô tình áp tai xuống mặt đất và nghe thấy âm thanh thùng thình từ lòng đất vọng lên. Đó chính là âm thanh đầu tiên của trống đất, một thứ âm thanh kỳ lạ và mạnh mẽ, từ đó ra đời nhạc cụ đặc biệt này.

Trống đất Hương Cần: Tiếng vọng văn hóa MườngTrống đất trong tiếng Mường gọi là “Toòng Tửng”.

Ông Bảo nhớ lại những ngày thơ ấu, khi còn chăn trâu trên những triền đồi, ông đã được thầy của mình là ông Đinh Văn Đào, người cũng là nghệ nhân trống đất nổi tiếng trong vùng dạy cho kỹ thuật làm và chơi trống đất. 50 năm gắn bó với trống đất, cho đến nay, ông Bảo hiện là người duy nhất ở khu Khoang còn có thể làm và biểu diễn trống đất thuần thục.

“Trống đất được làm từ những vật liệu thiên nhiên sẵn có của núi rừng. Tuy nhiên, việc lựa chọn vật liệu và chế tác trống đòi hỏi sự tinh tế và kỹ năng cao. Vật liệu chính đầu tiên là một loại dây rừng sống tầm gửi trên những cây cổ thụ. Việc tìm dây rừng sống không phải dễ dàng, chỉ có thể tìm thấy ở những cây cổ thụ trên các đỉnh núi cao.

Vật liệu tiếp theo cần phải có là ống nứa thanh tre, ghim tre và chiếc mo cau già, to, đủ dày để âm thanh vang. Việc chọn mo cau cũng có các tiêu chuẩn như: Mo cau già, bản rộng, dai để khi ép có độ căng, khi mo cau khô sẽ không giãn, không ảnh hưởng tới âm thanh của trống”, ông Bảo nói.

Trống đất Hương Cần: Tiếng vọng văn hóa MườngCác vật liệu làm trống đất.

Trước khi bắt tay vào làm trống, ông Bảo sẽ thực hiện nghi lễ cúng thần đất để xin phép được đào đất làm trống. Đây là một phong tục của người Mường, thể hiện sự tôn kính với thiên nhiên và các vị thần bảo vệ đất đai.

Cụ Đinh Văn Đào một trong những người trông coi đình Khoang – nơi sẽ diễn ra nghi lễ Tết cơm mới (10/10 âm lịch) cũng là người dạy trống đất cho ông Hà Ngọc Bảo sẽ cẩn thận sắp xếp, trịnh trọng đọc bài cúng bằng tiếng Mường. Nội dung chính của bài cúng là làm cho thần đất bốn phương làm cho đất dày hơn tiếng trống vang hơn điệu hát vui hơn cầu mong tiếng trống mang lại mùa màng tươi tốt.

Sau khi nghi lễ cúng thần đất hoàn tất, ông Bảo bắt đầu công đoạn quan trọng nhất là đào đất. Miệng trống có đường kính khoảng 20cm, độ sâu khoảng 35 – 40cm. Sau khi hoàn thiện bầu trống sẽ cắt mo cau hình chữ nhật gắn lên miệng trống, luồn dây qua lỗ chính tâm để căng mo cau. Các công đoạn tiếp theo bao gồm việc cố định 4 thanh tre để nẹp chặt mặt trống và gắn hai cọc tre ở hai bên để tạo âm vực khác nhau. Buộc sợi dây có độ dài khoảng 2m vào hai cọc tre, bên dây ngắn, căng sẽ phát ra tiếng nhạc cao, bên dây dài, trùng thì phát ra tiếng trầm, khi đánh vào sợi dây, ta được hai loại thanh bùng và binh nghe rộn rã.

Trống đất Hương Cần: Tiếng vọng văn hóa MườngViệc làm trống đòi hỏi sự thuần thục của đôi tay, khả năng thẩm âm đặc biệt của người làm trống.

Điều đặc biệt của trống đất là âm thanh phát ra từ lòng đất, tạo ra một âm thanh vừa trầm hùng, vừa vang vọng, khác biệt so với các loại trống thông thường. Âm thanh này không chỉ mang lại sự hứng khởi trong các lễ hội mà còn là lời cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt, cho cuộc sống bình yên của người dân.

Dù là một trong số rất ít người còn biết làm và biểu diễn trống đất ở khu Khoang nhưng ông Bảo luôn tâm huyết truyền lại kỹ thuật và niềm đam mê cho các thế hệ trẻ. Hiện tại, ông đang dạy cho hai học trò, trong đó có anh Đinh Xuân Bảy, người đã cùng ông tham gia biểu diễn trống đất trong nhiều dịp lễ hội. Anh Bảy chia sẻ: “Lúc đầu tôi học chỉ vì đam mê, nhưng càng chơi, tôi càng thấy yêu thích và hiểu rõ hơn về giá trị của nhạc cụ này. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ sau này để trống đất không bị mai một, lãng quên”.

Trống đất Hương Cần: Tiếng vọng văn hóa MườngMặt trống đất sau khi hoàn thành.

Những người như ông Hà Ngọc Bảo là hy vọng cho sự phục hồi và bảo tồn giá trị của loại nhạc cụ cổ truyền. Ông Bảo bày tỏ mong muốn: “Tôi hy vọng trong tương lai, trống đất sẽ được các thế hệ trẻ biết đến, yêu mến hơn, để không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mường”.

Ông Đinh Quang Vận, Chủ tịch UBND xã Hương Cần cho biết: “Trống đất có vai trò đặc quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mường. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để bảo tồn. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội như Tết cơm mới hay ngày Rằm tháng Giêng, trống đất thường được hòa phối với các dàn nhạc cụ dân tộc ở sân đình để tạo nên không khí linh thiêng và rộn ràng. Đây không chỉ là việc bảo tồn một nhạc cụ, mà còn là giữ gìn một phần hồn cốt văn hóa của dân tộc Mường, để tiếng trống đất mãi vang vọng trong các lễ hội và cuộc sống cộng đồng”.

Trống đất Hương Cần: Tiếng vọng văn hóa MườngÔng Hà Ngọc Bảo, khu Khoang, xã Hương Cần là một trong số rất ít người còn làm và chơi trống đất ở Phú Thọ.

Trống đất, với âm thanh độc đáo, không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là linh hồn sống động trong những lễ hội, nghi thức của cộng đồng Mường. Mỗi tiếng trống không chỉ vang lên trong không gian mà còn là nhịp đập của lịch sử, là ký ức của những trận chiến oai hùng và những ngày lao động miệt mài. Để trống đất tiếp tục vang vọng rất cần sự quan tâm, bảo tồn của cả cộng đồng. Việc này không chỉ giúp bảo vệ một nhạc cụ đặc biệt mà còn là cách để giữ gìn những giá trị tinh thần, sự kết nối cộng đồng và bản sắc dân tộc. Âm thanh trầm hùng, rộn rã của trống đất sẽ mãi còn vang vọng nơi mảnh đất cội nguồn như lời nhắc nhở về sức mạnh của sự đoàn kết, truyền thống và niềm tự hào dân tộc.

Bảo Thoa