Tại Quy chế vừa được Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 8/5/2024 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Viện trưởng VKSND tối cao vừa có Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ngày 8/5/2024 về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, thu thập, phân loại, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Quy chế 161).
Về trình tự, thủ tục phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm, Quy chế nêu rõ: Trường hợp xác định là nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì phòng nghiệp vụ được giao phân loại, xử lý có trách nhiệm đề xuất, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra để quyết định việc thụ lý, phân công, giải quyết nguồn tin theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017 và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.
Trường hợp xác định là nguồn tin về tội phạm nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì phòng nghiệp vụ được giao phân loại, xử lý có trách nhiệm đề xuất, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra chỉ đạo chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hiện chức năng kiểm sát.
Đối với Viện kiểm sát các cấp sau khi phân loại xác định nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì chuyển ngay đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao biết để phối hợp xử lý theo quy định.
Việc phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu không phải nguồn tin về tội phạm và không thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao thi hành Lệnh bắt, khám xét nơi làm việc của một Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP. Yên Bái. (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, trường hợp xác định đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết của các đơn vị thuộc VKSND tối cao thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyển đến Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12), VKSND tối cao để xử lý theo quy định.
Trường hợp xác định đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự các cấp thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao chuyển đến các đơn vị này để xử lý theo quy định.
Trường hợp xác định đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và gửi phiếu chuyển cho Viện kiểm sát của cấp có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật biết; đối với đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát quân sự thì chuyển đến Viện kiểm sát quân sự trung ương xử lý theo quy định.
Trường hợp xác định đơn có nội dung khiếu nại, đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu không thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát các cấp thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao làm thủ tục trả lại đơn và hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đối với đơn có nội dung tố cáo thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Trường hợp đơn là tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực hành chính, dân sự; đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, yêu cầu liên quan đến Viện kiểm sát các cấp đã được gửi đến nhiều lần, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, đã có văn bản chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc đã có hướng dẫn gửi đơn, đồng thời không có tình tiết mới hoặc những đơn đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng không đồng ý, vẫn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu kéo dài thì xếp lưu theo quy định và thông báo một lần bằng văn bản cho người gửi biết.
Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết nguồn tin về tội phạm. Cụ thể, khi giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải tuân thủ đúng thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 9, Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 và các quy định khác có liên quan.
Sau khi ban hành một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi VKSND cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc biết.
Đối với nguồn tin về tội phạm sau khi tiếp nhận, phân loại, xử lý xác định rõ dấu hiệu tội phạm, có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì căn cứ Điều 151 Bộ luật Tố tụng hình sự ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành khởi tố và điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài các nội dung trên, Quy chế còn quy định về sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện kiểm sát quân sự khu vực trong việc tiếp nhận, thu thập, phân loại, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.