Tránh nguy cơ mù lòa do đái tháo đường

Biến chứng võng mạc của bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực, mù lòa ở Việt Nam và trên thế giới.

Điều đáng nói, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường gặp phải biến chứng này đang ngày một gia tăng, trở thành gánh nặng cộng đồng trong khi việc chẩn đoán, điều trị sớm còn hạn chế.

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường năm 2020 trên thế giới là 22,27%, khoảng hơn 103 triệu người mắc. Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này tăng lên khoảng 55,6% với khoảng hơn 160 triệu người mắc. Đối với người bệnh đái tháo đường, triệu chứng và biểu hiện của biến chứng võng mạc ở giai đoạn đầu thường không rõ, chưa có ảnh hưởng nhiều về thị lực. Do đó, người bệnh thường chủ quan. Chỉ khi nhìn mờ, người bệnh mới đi khám thì đã ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến thị lực.

Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, các bác sĩ nội tiết cần kiểm soát tốt tất cả các yếu tố nguy cơ, các biến chứng ở người bệnh đái tháo đường. Từ đó, có những chiến lược để bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát, đạt được mục tiêu đường huyết, huyết áp, lipid máu, hướng tới ổn định bệnh, giảm nguy cơ, chậm tiến triển, duy trì cuộc sống chất lượng dài lâu.

Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp từ sớm là quan trọng nhất trong phòng ngừa và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường. Ngoài ra, để dự phòng biến chứng võng mạc, người bệnh cần tuân thủ tốt việc điều trị bệnh đái tháo đường về chế độ dùng thuốc, ăn uống, luyện tập, đồng thời phải khám mắt định kỳ…