‘Thông tuyến’ danh mục thuốc BHYT, người dân hưởng lợi

(PLO)- Từ năm 2025 , người bệnh khi theo dõi sức khỏe tại trạm y tế xã vẫn được sử dụng thuốc trong danh mục thuốc BHYT của tuyến trên.

Ngày 5-12, Bộ Y tế tổ chức hội thảo phổ biến Thông tư 37/2024 quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Trạm y tế dùng thuốc như bệnh viện tuyến trên

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, thuốc luôn là cấu phần quan trọng và chiếm tỉ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo quy định hiện nay, thuốc trong danh mục BHYT chi trả được phân theo hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV; tuyến chuyên môn kỹ thuật gồm tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Trong đó, danh mục thuốc của trạm y tế chỉ khoảng 25% (trong tổng số 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm y tế thuộc danh mục thuốc BHYT).

Tuy nhiên, Thông tư 37 vừa được Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2025, quy định các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị mà không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Điều này giúp bệnh nhân tuyến dưới được dùng thuốc trong danh mục BHYT như các bệnh viện tuyến trên.

“Quy định này khuyến khích cơ sở khám chữa bệnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật; thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với thuốc.

Cạnh đó, góp phần hạn chế tình trạng người bệnh đi khám chữa bệnh tại cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên”, ông Thuấn nói.

danh mục thuốc BHYT
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT

Theo ông Đồng Duy Trường, Vụ BHYT (Bộ Y tế), một trong những nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật danh mục thuốc BHYT là tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở.

Tuy nhiên, hiện các trạm y tế xã chỉ được sử dụng số lượng hoạt chất rất ít, dẫn đến người bệnh chọn đi khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh hạng cao hơn. “Từ đó, y tế cơ sở không thu hút được nhân lực chất lượng, không đủ nguồn lực đầu tư phát triển cho nên khó đáp ứng được chủ trương phát triển y tế cơ sở của Đảng và Nhà nước”, ông Trường chia sẻ.

“Thông tư 37/2024 là một trong những đột phá về mặt thể chế để xây dựng danh mục thuốc BHYT, đúng với tinh thần của Đảng, Nhà nước là phải đột phá về mặt thể chế, minh bạch công khai, phải xây dựng hành lang pháp lý cụ thể để dễ thực hiện, cái gì là nhu cầu của cuộc sống thì phải đưa vào”.

Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)

Còn theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, với quy định mới này, Bộ Y tế đã mở rộng tối đa danh mục thuốc BHYT xuống tới cấp cơ bản và cấp ban đầu, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các cấp chuyên môn khám chữa bệnh.

“Chỉ cần cơ sở y tế có đủ phạm vi chuyên môn, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, có đủ người hành nghề, đủ năng lực điều trị chẩn đoán bệnh, được phê duyệt danh mục kỹ thuật để thực hiện… thì bác sĩ được phép kê đơn thuốc để điều trị cho người bệnh”, bà Trang nhấn mạnh.

Thách thức và cơ hội cho y tế cơ sở

Tuy nhiên, bà Trang phân tích rằng để Thông tư 37 thực sự đi vào thực tiễn, y tế cơ sở phải được đầu tư, nâng cao về con người, máy móc, trang thiết bị để có thể chẩn đoán và kê được đơn thuốc danh mục BHYT.

“Cần phải có những điều kiện về mặt cơ chế liên quan đến phát triển nguồn lực để thực hiện được danh mục thuốc BHYT. Nếu chỉ quy định như vậy mà y tế cơ sở không được đầu tư, thì bác sĩ cũng không kê đơn được. Cuối cùng người bệnh cũng không được hưởng lợi và bài toán bệnh nhân lên tuyến trên vẫn còn xảy ra”, bà Trang nói.

Nếu chúng ta cứ vận động rằng hãy đưa thuốc, thiết bị y tế về cấp ban đầu, cấp cơ bản, về y tế cơ sở để người dân được hưởng lợi, nhưng bản thân năng lực đáp ứng của cơ sở lại không theo kịp, thì cuối cùng đó vẫn là một bài toán chưa có lời giải hiệu quả!

Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)

Do vậy, theo bà Trang, để áp dụng hiệu quả Thông tư 37 cần chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện để tăng cường năng lực cho cơ sở khám chữa bệnh cấp cơ bản, cấp ban đầu.

Điều này phụ thuộc vào trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND các tỉnh phải chỉ đạo về đầu tư, phát triển nguồn lực cho y tế tuyến dưới. Bản thân các sở y tế, các cơ quan tham mưu, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng phải phối hợp để tăng cường năng lực cho y tế cơ sở.

danh mục thuốc BHYT
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TT

“Người đứng đầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản phải có hoạch định về mặt đường hướng phát triển của đơn vị mình, từ đó có thể đón đầu được những thay đổi về mặt chính sách.

Bởi khi Bộ Y tế ban hành các thông tư mở rộng danh mục thuốc, chính người đứng đầu phải có chuẩn bị về kế hoạch, nguồn lực, về hoạt động chuyên môn hàng năm để đáp ứng thực hiện hiệu quả, khả thi các quy định này”, bà Trang nói.

Thông tư 37 tạo hành lang pháp lý để từ đó việc cập nhật danh mục thuốc BHYT được thực hiện thường xuyên hơn. Bộ Y tế dự kiến mỗi năm sẽ có một thông tư cập nhật danh mục thuốc BHYT, phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, không chỉ quy định về việc đưa thuốc vào danh mục BHYT, Thông tư 37 còn quy định đưa ra khỏi danh mục những thuốc không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí về an toàn và hiệu quả, giúp chấm dứt tình trạng “đã đưa vào danh mục rồi thì thuốc đó cứ thế tồn tại qua nhiều năm”.

Từ đó, tạo động lực để không ngừng có những thuốc mới. Các nhà sản xuất sẽ phải nghiên cứu, phát triển các loại thuốc để tăng hiệu quả điều trị, phủ được hết các mặt bệnh và đa dạng hóa thuốc.