Thoát nghèo nhờ nuôi cua đồng trong bể xi măng

TPO – Khởi nghiệp từ năm 2018, đến nay mô hình kinh tế nuôi cua đồng trong bể xi măng của anh Vũ Sỹ Linh (SN 1985) thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Vũ Sỹ Linh từng đi làm thuê ở nước ngoài, làm đủ nghề để kiếm sống nhưng công việc vất vả, thu nhập không ổn định lại thường xuyên phải xa gia đình.

Thoát nghèo nhờ nuôi cua đồng trong bể xi măng ảnh 1
Nhờ mô hình nuôi cua đồng trong bể xi măng, thu nhập hàng năm của gia đình anh Vũ Sỹ Linh khoảng 600 – 700 triệu đồng.

Năm 2018, tình cờ quen biết một người đàn ông chuyên đi mua cua đồng, anh Linh nảy sinh ý tưởng đi thu mua của người dân và bán cho vị khách này. Sau nhiều lần mua đi bán lại, anh Linh nhận thấy số lượng cua không đủ cung cấp cho khách hàng. Với suy nghĩ tự tìm hướng mới, được tiếp cận với mô hình nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cách vận chuyển cua đồng để không bị chết…

Đầu năm 2019, anh đã quyết định đầu tư đào vườn cây xây các bể xi măng để tự nuôi cua đồng trên chính mảnh vườn của gia đình.

Thời điểm đầu lập nghiệp, anh Linh bỏ ra khoảng 50 triệu đồng xây bể và 4-5 triệu đồng mua cua giống.

Thoát nghèo nhờ nuôi cua đồng trong bể xi măng ảnh 2

Cua đồng là con vật rất dễ nuôi lại cho kinh tế cao.

Mặc dù không qua trường lớp đào tạo nào nhưng với niềm đam mê, anh Linh ham học hỏi, tìm tòi, chịu khó tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn thông tin khác nhau để học tập.

Qua quá trình nuôi, anh Linh nhận thấy cua đồng rất dễ nuôi, chỉ cần có giá đỡ là cua có thể sống và phát triển. Thức ăn của cua đồng chủ yếu là rau, bèo, cám ngô… rất dễ tìm kiếm và không tốn nhiều chi phí.

Trò chuyện với PV, anh Linh tâm sự: “Ban đầu khi chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bị thua lỗ, cua chết nhiều do thả cua với mật độ dày quá mức cho phép. Tuy nhiên, sau khi hiểu được đặc tính của loài cua đồng, tôi đã giảm số lượng con dưới bể.”

Thoát nghèo nhờ nuôi cua đồng trong bể xi măng ảnh 3
Cua đồng cho giá trị kinh tế cao.

Sau 6 năm, đến nay mô hình nuôi cua đồng của anh Linh ngày càng được mở rộng. Hiện anh không chỉ xuất ra thị trường cua thành phẩm mà còn cung cấp con giống. Tổng diện tích nuôi là 200m3 bể xi măng, mỗi bể rộng khoảng 30m2 và 1ha ao.

Theo anh Linh, cua đồng là giống dễ sống trong môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Do đó, anh không gặp nhiều khó khăn khi nuôi cua đồng trong bể xi măng. Để duy trì nước trong bể xi măng, anh Linh lấy từ trên núi cao, vì thế giống cua nhà anh cung cấp ra thị trường tỉ lệ chết hầu như không có, dễ thích nghi với môi trường mới và sống khỏe.

Cũng theo anh Linh, hiện tại trung bình mỗi ngày mô hình của anh Linh xuất ra thị trường 50kg, mỗi tháng hơn 1 tấn cua. Giá cua giống dao động trên tầm 150 nghìn đồng/kg, giá cua thành phẩm là 120 nghìn đồng/kg.

Với những tháng mùa đông giá đạt mức cao hơn do cua bắt từ tự nhiên khan hiếm. Lãi thu về khoảng 30 – 40tr/tháng. Anh Linh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức 250 nghìn đồng/ngày công. Thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh miền Bắc, vào đến Hà Tĩnh. Tổng thu nhập một năm khoảng 600 – 700 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đăng Khoa – Bí thư chi đoàn Tổ dân phố Ba Trãng, thị trấn Hàm Yên, cho biết, mô hình nuôi cua của anh Linh đã giúp nhiều thanh niên trong tổ dân phố có cơ hội học hỏi, khởi nghiệp. Đây là mô hình phù hợp với thanh niên bởi số vốn ít, cua đồng lại dễ nuôi, thu hồi vốn nhanh, tận dụng được lợi thế địa hình địa phương, không tốn nhiều diện tích.

“Ngoài ra anh Vũ Sỹ Linh còn liên kết với các hộ dân và các bạn trẻ ở địa phương về kỹ thuật chăm sóc, nhân giống cua đồng hiệu quả. Nhiều bạn thanh niên đã và đang được anh Linh chỉ dạy trên hành trình khởi nghiệp nuôi cua đồng”, anh Khoa cho biết thêm.