Theo quy định mới, sổ đỏ được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

Theo quy định hiện nay, trong một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi tắt sổ đỏ) được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

Sổ đỏ được đứng tên tối đa bao nhiêu người?

Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua, thay thế cho Luật Đất đai 2013. Luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Trong đó đối với quyển Sổ đỏ, tên thông thường hay gọi thay cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ có tên gọi mới từ 1/8 tới đây.

Theo đó, Sổ đỏ cấp cho người dân sẽ có tên gọi mới là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8.

Tên gọi mới này đã ngắn gọn hơn so với tên cũ. Theo Luật Đất đai 2013, sổ đỏ chính thức có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Theo quy định mới, sổ đỏ được đứng tên tối đa bao nhiêu người?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Về số lượng người đứng tên trên một sổ đỏ/sổ hồng, tại khoản 2, Điều 135, Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.”

Dựa vào nội dung quy định nêu trên, nếu thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận phải cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận hoặc nếu có yêu cầu cấp thì cấp chung 1 Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Tức là không giới hạn về số lượng người đứng tên trên sổ đỏ/sổ hồng nếu họ có chung quyền.

Từ 1/8/2024, sổ đỏ sẽ không được cấp khi nào?

Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã quy định người sử dụng đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp.

1. Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.

2. Đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại điều 7 của luật này, trừ trường hợp đất được giao sử dụng chung với đất được giao để quản lý thì được cấp sổ đỏ đối với phần diện tích đất sử dụng theo quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Không còn công nhận sổ đỏ hộ gia đình, sổ đã cấp sẽ xử lý thế nào?

3. Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng nằm trong diện này.

4. Đất nhận khoán, trừ trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp mà có nguồn gốc là đất được giao, giao khoán, khoán trắng, thuê đất, mượn của nông, lâm trường trước ngày 1-2-2015 theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng…

5. Đất đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện.

6. Đất đang có tranh chấp, đang bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, quyền sử dụng đất đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.

Minh Hoa (t/h)