Thay đổi tuổi tối đa của người lái xe từ năm 2025, không phải ai cũng biết

So với quy định hiện hành, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có điểm mới về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy.

Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE.

Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE.

Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.

Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã tăng tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm. Hiện nay, điểm e khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.