Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, do tình hình kinh tế – xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng nắm bắt dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, khả năng nhận biết còn lúng túng…
Tại phiên chất vấn sáng 22/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực tư pháp liên quan Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trách nhiệm của Chính phủ trong việc liên tục sửa đổi luật; việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính…
Liên quan đến báo cáo xem xét, thông qua việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cung cấp số liệu về việc trình các dự án luật. Theo đó, năm 2021 trình đưa vào Chương trình ban đầu 10 dự án luật, sau đó bổ sung 1 là thành 11 dự án luật. Năm 2022 trình 11 dự án luật, bổ sung thêm 13 dự án luật, tức là lên 24. Năm 2023 trình ban đầu 14 dự án luật, bổ sung thêm 12, tức là tăng là lên 26. Năm 2024 trình ban đầu 16 dự án luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì lên 34 dự án luật. Với số liệu như vậy cho thấy, số lượng thay đổi rất lớn; đồng thời các đề xuất, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất sát với kỳ họp.
Về nguyên nhân của tình trạng thay đổi số lượng các dự án luật đã trình trong năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, do tình hình kinh tế – xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng nắm bắt dự đoán, nắm bắt trước tình hình của chúng ta có hạn, khả năng nhận biết còn lúng túng…
Từ đó, Phó Thủ tướng đề xuất một số giải pháp khắc phục: Trước hết là thực hiện chủ động hơn nữa kỷ luật, kỷ cương; các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế. Tăng cường chất lượng của nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ nhân lực là cái cơ bản, nếu không có thông tin, không có nguồn nhân lực đủ mạnh thì sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi, bổ sung pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) về việc “luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 19 năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.
Cụ thể, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau. Dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhóm thứ hai là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý thuế, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Kiểm toán độc lập và chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận, lý do dẫn tới việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội; nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ tiếp tục tranh luận về việc, tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 25 dự án và thông qua 12 dự án luật; tuy nhiên cho đến hiện nay Chính phủ vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung thêm rất nhiều dự án luật khác; đồng thời bày tỏ quan ngại về chất lượng các dự án luật khi nguyên nhân chủ quan đã được nêu ra có liên quan đến vấn đề về năng lực của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục duy trì những vấn đề ổn định và nâng cao trình độ, năng lực để đạt chất lượng xây dựng pháp luật tốt hơn, qua đó xử lý các vấn đề phát sinh là ngoại lệ. Dự kiến có thể sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề quan trọng là duy trì để đảm bảo cân bằng sự ổn định. Về vấn đề năng lực, Phó Thủ tướng cho rằng, tính năng lực và chuyên nghiệp là rất quan trọng, cần đầu tư thêm cho lực lượng xây dựng pháp luật, lực lượng xây dựng chính sách. Về cơ bản đội ngũ này phải tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp để có thể cải thiện, cùng với đó kết hợp quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ này.