Phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 306 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, tăng thêm 71 sản phẩm so với năm 2023. Có 220 chủ thể tham gia vào chương trình OCOP và 152 xã, phường có sản phẩm OCOP. Để đạt được kết quả đó là do nhiều năm nay các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển bền vững những sản phẩm tiêu biểu, đảm bảo tiêu chí sản phẩm OCOP phải đi đôi giữa “lượng” và “chất”.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm OCOP tại cửa hàng Green Food Phú Thọ (thành phố Việt Trì)

Huyện Thanh Sơn là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về phát triển sản phẩm OCOP. Ông Phan Thanh Trường – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển bền vững sản phẩm OCOP, huyện luôn xác định nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia. Việc tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP phải đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định. Cùng với đó, huyện khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện như: Diễn đàn kết nối cung cầu; thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản. Thông qua đó, góp phần kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tính đến hết năm 2024, huyện có 38 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Các sản phẩm phát huy hiệu quả, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, trở thành động lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Quy trình sản xuất sản phẩm Thịt chua Trường Foods (huyện Thanh Sơn) trên dây chuyền khép kín và hiện đại

Để chương trình OCOP đạt được kết quả tốt, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tích cực tổ chức và hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh kết nối thông tin giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt hơn ở trong và ngoài nước.

Cùng với đó, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy, các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã, bao bì sang trọng, có đầy đủ mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Các sản phẩm tiêu biểu như: Mỳ gạo Hùng Lô, Chè Hoài Trung, Thịt chua Trường Foods, Chè Búp tím Thanh Ba, Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung…

Đồng chí Trần Tú Anh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành Nông nghiệp luôn đồng hành cùng các chủ thể phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; chú trọng việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận cũng như nâng hạng sao cho sản phẩm có triển vọng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng các chủ thể xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, xác định những chỉ tiêu còn có thể nâng điểm, nâng hạng; hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP”.

Bà con xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh đóng gói sản phẩm OCOP hồng Gia Thanh

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ chủ thể về hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ đánh giá và phân hạng sản phẩm; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận; nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP…); nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, các chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Thu Hương