Năm 2024, huyện Tân Sơn, Phú Thọ được giao giảm thêm 1,72% tỷ lệ hộ nghèo, đưa chỉ số này về gần 13%. Huyện tiếp tục có những giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp người dân thoát nghèo đa chiều, bền vững.
Tân Sơn (Phú Thọ) từng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Từ bước đà thoát khỏi danh sách huyện nghèo 6 năm trước, năm 2024, huyện miền núi với 83,5% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số này tiếp tục có những giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, giúp người dân thoát nghèo đa chiều, bền vững.
Nhờ được tiếp cận các chương trình, chính sách giảm nghèo, bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Sơn cơ bản đã ổn định đời sống. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa thoát khỏi tâm lý trông chờ hỗ trợ, chưa nỗ lực hết mình để vươn lên, trở thành lực cản cho công tác giảm nghèo.
Xác định được vấn đề này, năm 2024, huyện Tân Sơn tiếp tục có nhiều giải pháp giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo. Trong đó, huyện ưu tiên đẩy mạnh truyền thông, không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ mà còn giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách, học hỏi các gương điển hình, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, huyện đã lồng ghép hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn với các chương trình, dự án hỗ trợ người dân như: Phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc, cây lương thực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn…
Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,7%. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 14,67%. Theo kế hoạch được UBND tỉnh Phú Thọ giao, huyện Tân Sơn cần giảm 1,72% tỷ lệ hộ nghèo, nghĩa là hết năm 2024, chỉ số này được đưa về gần 13%.
Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động được Tân Sơn xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 2024. Trong đó, huyện tiếp tục tạo điều kiện để các hộ nghèo được vay vốn học tập, đào tạo nghề, mạnh dạn phát triển mô hình sinh kế. Nhiều hộ nghèo tại huyện Tân Sơn đã vươn lên thoát nghèo đa chiều, bền vững.
Điển hình như gia đình anh Hà Văn Vượng ở xã Tân Phú. Vợ chồng anh mới lấy nhau thiếu thốn đủ thứ, xếp vào danh sách hộ nghèo. Nhưng không trông chờ vào sự hỗ trợ, vợ chồng anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua cây chè, cây keo giống về trồng.
Chăm chỉ, cần cù, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh còn mở rộng diện tích trồng chè kết hợp chăn nuôi gà, lợn. Đến nay, gia đình anh xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố, thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 3%, huyện Tân Sơn tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng đó, huyện huy động sự tham gia “phong trào giảm nghèo” của các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và cá nhân…
Ngoài đào tạo nghề, Tân Sơn cũng xác định xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả, một hướng đột phá để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, đa chiều ở địa phương.
Để nguồn lao động tiếp cận được với các doanh nghiệp, huyện thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm, mở được 4 sàn giao dịch tại 4 cụm xã: Thạch Kiệt, Lai Đồng, Xuân Đài và Long Cốc. Bên cạnh đó, hàng năm khi đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, các cơ quan liên quan đều tư vấn để các thanh niên tiếp cận và tham gia xuất khẩu lao động.
Thông tin từ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tân Sơn, năm 2023 huyện có trên 1.200 người được tạo việc làm mới, trong đó có gần 270 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có nhiều người sống tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả này đưa Tân Sơn trở thành địa phương có người lao động nước ngoài cao nhất tỉnh. Đặc biệt có những xã như Thu Ngạc, mỗi năm trung bình có 14 người xuất khẩu lao động. Nhờ nguồn thu nhập và kiến thức, kinh nghiệm từ xuất khẩu lao động, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định, giải quyết các chiều thiếu hụt cơ bản trong cuộc sống như nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh…