Cách đây hơn 50 năm, bà Trần Thị Tân và bà Nguyễn Thị Việt (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) đã cùng với hàng trăm nữ thanh niên của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc – đơn vị bộ đội nữ đầu tiên của miền Bắc xung phong lên đường nhập ngũ. Bằng máu xương và tuổi trẻ, họ đã góp phần giữ vững và làm nên tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1971, trong lúc cao trào chống Mỹ lên cao, Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc được thành lập với quân số hơn 500 nữ thanh niên của 14 huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Tất cả đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đong đầy tình yêu quê hương, đất nước, hăng hái ra chiến trường với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt. Khi ấy, bà Trần Thị Tân, bà Nguyễn Thị Việt là những cô gái mang theo mình ước nguyện của tuổi trẻ, viết đơn xin nhập ngũ bằng máu với khí thế rạo rực, sục sôi trong lòng.
Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, các cô gái của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc lên đường bổ sung cho Sư đoàn 472, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đóng quân tại Mường Phìn, Savanakhet của nước bạn Lào. Mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như hậu cần, văn thư, bảo mật thông tin, tổng đài, giao liên, quân bưu, tăng gia, giữ kho cho đến đào đất lấp hố bom, phá đá nổ mìn đảm bảo giao thông được thông suốt.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ mà hào hùng, oanh liệt, cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn Trần Thị Tân chia sẻ: Sau huấn luyện, tiểu đoàn chúng tôi hành quân vượt qua sông Gianh, dọc theo đường 20 Quyết Thắng đến Binh trạm 5 (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Tại đây, chúng tôi được phân công những nhiệm vụ mới trên con đường huyết mạch vận tải chiến lược Bắc – Nam. Tháng 9/1971, tôi và đồng đội nhận lệnh hành quân sang tỉnh Savannakhet (Lào), đến Binh trạm 10 rồi bàn giao quân, tôi được bổ sung cho Tiểu đoàn 9, Binh trạm 35 thuộc Sư đoàn 472, Đoàn 559.
Đơn vị của tôi gồm 35 chiến sĩ, trong đó chỉ có 2 nữ. Hồi đó, chiến tranh rất ác liệt, ngày nào quân địch cũng rình rập ném bom ở tất các trọng điểm của bộ đội ta đóng quân, thế nên thương vong là điều không thể tránh khỏi. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa đón bộ đội ta từ Bắc qua các trạm giao liên ở đất Lào để vào miền Nam, đón thương binh từ tuyến trước đưa ra tuyến sau, chuyển các đồng chí biệt động nữ Sài Gòn và tù binh ngụy ra miền Bắc. Khoảng cách giữa các trạm giao liên khoảng chừng 8 giờ đi bộ; nhiều đợt bộ đội, thương binh và tù binh lên tới hàng nghìn người. Để đảm bảo an toàn, tránh địch bắn phá oanh tạc, mỗi lần dẫn đường giao liên đều có 2 giao liên thông thạo địa hình đi trước dò đường và bẻ lá cây làm dấu cho đoàn quân đi; cứ 3 – 4 tháng các trạm phải di chuyển vị trí một lần với nguyên tắc tối thượng của người lính giao liên Trường Sơn: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Còn đối với cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Việt, sau khi sang Savannakhet (Lào) đã được bổ sung vào đơn vị kho Tiểu đoàn 1, Binh trạm 32, Sư đoàn 472, Đoàn 559; có nhiệm vụ nhận và giao đạn pháo, lương thực, thực phẩm, thuốc men… ra chiến trường. Với cân nặng khiêm tốn 40kg, cô chiến sĩ nhỏ làm nhiệm vụ khuôn vác, vận chuyển nhu yếu phẩm chẳng kém gì các đồng đội nam, mỗi lần có thể vác trên vai gần 100kg.
Bà Việt nhớ lại: Khi cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt cùng với việc chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, đạn pháo, nhu yếu phẩm vào, ra kho trạm tăng gấp nhiều lần, chúng tôi phải hành quân cả ngày lẫn đêm để vận chuyển. Có khi đang hành quân, trên đầu giặc Mỹ thả bom dồn dập; cũng có khi trời mưa, đường rừng, dốc đèo trơn trượt, đoàn xe của chúng tôi tuột dốc, lao xuống mắc kẹt vào vách đá, người và vật dụng đều bị hất văng xuống suối. Hiểm nguy là thế nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, kiên cường vượt qua từng chặng đường, quyết tâm đưa nhu yếu phẩm ra chiến trường.
Hòa bình lập lại, các nữ chiến sĩ Trường Sơn trở về địa phương công tác, sản xuất, tiếp tục xây dựng quê hương. Bà Tân, bà Việt cùng chuyển ngành về Nhà máy Dệt Vĩnh Phú và công tác ở đó cho đến khi nghỉ chế độ. Hiện 2 bà đang sinh sống tại phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Trở về với cuộc sống thời thường, những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa nay đã ngoài 70 tuổi. Do bị ảnh hưởng bởi bom đạn và chất độc da cam/dioxin trong chiến trường, bà Tân đã lựa chọn cuộc sống độc thân. Còn bà Việt nên duyên vợ chồng với một người lính Cụ Hồ và sinh được 3 người con. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin nên 2 người con của bà Việt đã mất, người con còn lại sức khỏe yếu, không có công việc ổn định; cuộc sống gia đình bà Việt rất khó khăn. Dẫu vậy, bằng nghị lực phi thường, 2 bà đã vượt qua bão táp chông gai và những di chứng của chiến tranh để mạnh mẽ bước qua số phận cuộc đời; luôn nghĩa tình, gắn bó sắt son, giúp đỡ, sẻ chia, đoàn kết với nhau để vun đắp cuộc sống mới.
Nửa thế kỷ đã qua, nhưng những ký ức của bà Tân, bà Việt và đồng đội về một thời hoa lửa trên dải Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn còn vẹn nguyên. Đó là ký ức của tuyến lửa, là những tháng ngày gian truân, vất vả với mưa bom bão đạn của kẻ thù, những trận sốt rét kéo dài, là rụng tóc, là không có nước dùng, cuộc sống, sinh hoạt gần như trong lòng đất… Nhưng vượt lên tất cả, bằng tình yêu Tổ quốc và lý tưởng sống cao đẹp, họ đã kiêu hãnh, kiên cường, bất khuất, cùng nhau góp sức làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc. Họ đã viết nên những câu chuyện đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta càng thêm trân trọng giá trị của 2 chữ “hòa bình” và tin yêu vào những điều tốt đẹp luôn tồn tại trong cuộc sống.
Thanh Hòa