Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính (TTHC); việc thực hiện và giải quyết TTHC đều được thực hiện trên môi trường mạng; trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo thực hiện.

 

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Phú Thọ

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hiện có 141 TTHC đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; trong đó, số lượng dịch vụ công toàn trình là 101 thủ tục. Việc cung cấp danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã mang lại nhiều thuận lợi cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Chị Hà Thị Bích Vân – Chuyên viên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Khi thực hiện dịch vụ công toàn trình, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giảm bớt sự chờ đợi và các quy trình phức tạp. Ngoài ra, quy trình xử lý hồ sơ, thủ tục được công khai, minh bạch, giúp người dân dễ dàng theo dõi, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá mức độ hài lòng đối với cơ quan và cán bộ, công chức viên chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.

Chị Hà Thị Kim Loan – Công ty TNHH RainDrop Việt Nam, Khu công nghiệp Cẩm Khê cho biết: Chúng tôi thường xuyên phải nộp hồ sơ xin cấp phép lao động cho người nước ngoài, gia hạn visa cho người nước ngoài hoặc điều chỉnh chứng nhận đầu tư… Do trụ sở doanh nghiệp ở xa, nên việc thực hiện dịch vụ công toàn trình đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ, không phải đi lại nhiều lần. Việc đồng bộ dữ liệu trên hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh cũng giúp chúng tôi không phải cung cấp thông tin, giấy tờ nhiều lần, rất thuận tiện.

Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Phú Thọ hiện cung cấp 1.887 TTHC, trong đó 857 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 45,41%); kết nối nộp hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.121 thủ tục. Một số sở, ngành có số lượng dịch vụ công toàn trình cao như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp…

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã tổ chức rà soát dịch vụ công thuộc thẩm quyền của từng cấp để xác định từng TTHC mà người dân có thể độc lập thực hiện trực tuyến; tổng hợp, kiến nghị các cơ quan Trung ương cắt giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa các TTHC đã công bố, đảm bảo phù hợp với hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Rà soát, rút ngắn thời gian tiếp nhận và giải quyết TTHC; thống nhất các TTHC để thực hiện trên toàn tỉnh, trong đó tập trung vào 25 dịch vụ công thiết yếu và nhóm các TTHC có số hồ sơ phát sinh nhiều ở cả 3 cấp để triển khai đơn giản hoá, chuẩn hóa.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Hưng Long, huyện Yên Lập hướng dẫn người dân tra cứu thông tin trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh

Năm 2024, Phú Thọ đã ban hành 146 quyết định công bố danh mục 1.655 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; thông qua phương án đơn giản hóa đối với 18 TTHC, góp phần nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành thử nghiệm kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân của tỉnh với Kho quản lý dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; dữ liệu dân cư thường xuyên được cập nhật, chỉnh sửa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và bổ sung, làm giàu thông qua tích hợp dữ liệu an sinh xã hội, dữ liệu đối tượng quản lý, dữ liệu hội viên các đoàn thể.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 1.184.281 dữ liệu; thực hiện số hóa 1.220.507 dữ liệu hộ tịch trên phần mềm hộ tịch điện tử chính thức, đạt 103,05%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 86,10%; kết quả khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa 659 hồ sơ. Rà soát, làm sạch 100% tài khoản công dân đã đăng ký trên hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh với 225.532/225.532 tài khoản; số lượng tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 999.059 tài khoản. Qua đó, giúp quản lý hiệu quả và kết nối dữ liệu liên thông, là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, bằng việc đa dạng các phương thức tuyên truyền, vận động, Phú Thọ đã từng bước đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân. Tại UBND xã Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê), mỗi khi có người dân đến làm các TTHC, công chức của xã lại dành thời gian cầm tay chỉ việc, hỗ trợ kê khai đầy đủ các thông tin trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Ông Hoàng Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Yên Dưỡng cho biết: Khó khăn địa phương gặp phải khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói chung, dịch vụ công trực tuyến toàn trình nói riêng đó là trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn thấp, chưa có thói quen sử dụng máy vi tính hay điện thoại thông minh để nộp hồ sơ trực tuyến… Vì vậy, công chức ở bộ phận một cửa thường xuyên phải dành thời gian hỗ trợ bà con thực hiện nhập thông tin hồ sơ, nộp hồ sơ trên hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền tới từng khu dân cư để người dân nắm bắt, tiếp cận, từng bước hình thành thói quen nộp hồ sơ trực tuyến.

Đoàn viên thanh niên Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Tính chung năm 2024, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 375.536/ tổng số 456.043 hồ sơ (đạt 82.35%); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 86,71%.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc triển khai kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến chưa tạo thuận tiện cho người dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công toàn trình; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận một cửa của một số xã chưa đáp ứng được yêu cầu trong giải quyết TTHC trực tuyến toàn trình và thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; một bộ phận người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công, chưa có điều kiện, kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử để đăng ký, gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, do đó công tác hướng dẫn, hỗ trợ mất nhiều thời gian…

Để thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công toàn trình trong thời gian tới, Phú Thọ đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiếp nhận thông tin phản hồi, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC của tỉnh đạt trên 80%; trong đó, cấp huyện đạt trên 80%, cấp xã đạt trên 75%.

Lệ Thủy