Xác định thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên hiệu quả cao trong quá trình thực thi chính sách, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự quan vào cuộc triển khai của các cấp, các ngành, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh vào thực tiễn cuộc sống.
Để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xã hội, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác truyền thông chính sách trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Tổ chức triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác truyền thông chính sách; trọng tâm là Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách (Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ). Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm và tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo điều hành của tỉnh. Chú trọng truyền thông chính sách cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa; đồng thời, tăng cường phối hợp, đặt hàng báo chí đối với những nội dung, chủ đề trọng tâm để tuyên truyền có chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Là cơ quan chuyên môn chủ trì tham mưu công tác truyền thông chính sách, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung tham mưu một số nội dung, nhiệm vụ để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông chính sách trên địa bàn. Trong đó, Sở đã tham mưu ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí Trung ương; tham mưu, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương cử lãnh đạo phụ trách và cán bộ đầu mối làm công tác truyền thông chính sách để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ.
Cùng với việc ban hành kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện công tác truyền thông chính sách tại tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã fướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội và đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật về những vấn đề dư luận quan tâm tại địa phương. Xây dựng định hướng tuyên truyền hằng tháng về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, các nội dung, sự kiện lớn và các văn bản, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh mới ban hành phục vụ tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở. Chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử của tỉnh đăng tải, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; trong đó, duy trì chuyên mục “Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” và sử dụng các ứng dụng nền tảng số như xây dựng các video, đồ họa… để truyền tải nội dung chính sách đến người dân một cách ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu.
Điểm nổi bật trong công tác truyền thông chính sách của tỉnh trong thời gian qua là các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách; tổ chức truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin. Trong đó, đã cử người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và kiện toàn Bộ phận truyền thông chính sách. Tổ chức truyền thông trên báo chí; trên các ấn phẩm, tài liệu; qua các hội nghị, cuộc thi và các phương thức truyền thông mới nhằm đưa chính sách của Trung ương, của tỉnh và của cơ quan, đơn vị đến từng đối tượng cụ thể, phù hợp, theo từng địa bàn. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ và bố trí, sắp xếp cán bộ phụ trách, đầu mối tham mưu triển khai công tác truyền thông chính sách. Nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả trang/cổng thông tin điện tử, mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về công chủ trương, chính sách tới các tầng lớp Nhân dân và cho báo chí, truyền thông.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh đã phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách. Bên cạnh sử dụng phương thức truyền thông truyền thống để thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan báo chí đã chủ động chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông theo xu hướng đa phương tiện, đa nền tảng; khai thác thế mạnh, lan toả trên các nền tảng truyền thông xã hội (Fanpage, Facebook, YouTube, Tiktok)… để tăng cường tương tác, tạo hiệu quả truyền thông. Trong năm 2024, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã duy trì nhiều chuyên trang, chuyên mục, tiểu mục như “Chính sách và cuộc sống”; “Pháp luật và đời sống”, “Văn bản – Chính sách”, “Luật Đất đai 2024”, “Giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri”… Các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được truyền thông qua các kênh thông tin, tạo được sự tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận chính sách ngay từ khâu dự thảo; nắm bắt được chính xác, kịp thời các văn bản chính sách, các quy định của pháp luật cũng như giám sát được quá trình thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều kết quả quan trọng đạt được của tỉnh trong thời gian qua về phát triển kinh tế – xã hội; thu hút đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng; quốc phòng – an ninh… đã có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông chính sách, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Các cơ quan báo chí tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phản bác thông tin có tính chất nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc… các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông và sử dụng các phương thức truyền thông mới để truyền thông chính sách trong lĩnh vực quản lý của mình; đồng thời, bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông chính sách đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Phương Hà