Liên tục xảy ra những vụ cháy ô tô, “thủ phạm” đến từ đâu?

Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, liên tục xảy ra các vụ cháy ô tô, tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại nặng về kinh tế. Mùa hè đã đến, nhiệt độ tăng cao, cần lưu ý phòng tránh cháy xe.

Liên tục cháy xe

Mới đây nhất, vào chiều ngày 17/5/2024, một chiếc ô tô con đang di chuyển trên đường ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, bỗng dưng bốc cháy dữ dội. Thấy xe bốc cháy, tài xế và người dân đã lao vào dập lửa. Sau đó các lực lượng chức năng đã phối hợp dập tắt đám cháy. Song, chiếc ô tô con đã bị cháy trơ khung.

Tối 12/5/2024, một chiếc ô tô Hyundai, biển kiểm soát Hà Nội, đang lưu thông trên đường Vành đai 3, hướng đi cầu Thanh Trì (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt. Khi phát hiện cháy, nữ tài xế đã điều khiển ô tô dừng vào làn khẩn cấp. Đáng chú ý, thời điểm đó trời đang mưa nhưng chiếc xe vẫn bốc cháy. Dù sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt để dập tắt ngọn lửa, nhưng chiếc xe này gần như bị thiêu rụi hoàn toàn.

440350729_876866457583047_5378482452360392403_n.jpeg
Chiếc BMW đỗ trên đường Ngô Thì Sỹ, quận Hà Đông (Hà Nội), đột nhiên bốc cháy.

 

Vào trưa ngày 2/5/2024, trên đường Ngô Thì Sỹ, quận Hà Đông (Hà Nội), một chiếc ô tô BMW đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy. Đám cháy nhanh chóng thiêu rụi chiếc xe và ảnh hưởng đến 2 xe đỗ trước và sau. Theo các nhân chứng, trước khi xảy cháy, gạt nước chiếc xe bỗng nhiên hoạt động. Chiếc xe phát ra tiếng kêu to dần, rồi rú lên inh ỏi, khoảng 5 phút sau thì bốc cháy.

Thời tiết miền Bắc đã bước vào mùa hè, nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, có nguy cơ làm tăng các vụ cháy ô tô. Để tránh xe bị hỏa hoạn, người sử dụng phương tiện cần lưu ý đến phòng chống cháy nổ, đảm bảo sử dụng xe an toàn.

“Thủ phạm” gây cháy

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sửa chữa ô tô QĐ 361, (Hoàng Ngân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, theo thống kê phần lớn các vụ cháy ô tô có nguyên nhân do chập hệ thống điện. Chất lượng dây điện kém, bị xuống cấp sau một thời gian sử dụng và đặc biệt là do lắp thêm các phụ kiện như đèn, âm thanh, camera…hoặc thay đổi thiết kế trên xe gây ra.

Với xe ô tô cũ, khi lắp thêm phụ kiện, nhiều đoạn dây điện sẽ phải cắt nối, quấn, bọc…khiến hệ thống điện không đảm bảo an toàn. Khi vận hành gặp nhiệt độ cao, dễ bị chập cháy và lan sang các hệ thống khác trong khoang động cơ, gây cháy lớn.

Ngoài ra, nguyên nhân cháy còn đến từ chất lượng nhiên liệu động cơ, các bộ phận chuyển đổi xúc tác quá nóng, bị chuột cắn dây điện gây hở, hoặc đi vào đường có nhiều rơm, rạ…

5wt05oz35y1 5ay5nfr7d52 oqdo5a0fdd3.jpeg
Chiếc xe con ở Đức Thọ , Hà tĩnh cháy trơ khung khi đi vào đường phơi rơm, rạ.

 

Cách phòng tránh cháy nổ

Theo ông Tuấn Anh, muốn tránh cháy nổ, chủ xe nên hạn chế tối đa việc lắp đặt thêm những thiết bị điện không thực sự cần thiết và không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trên xe. Việc lắp thêm các chi tiết vào xe chỉ thật cần thiết mới làm và sử dụng các loại linh kiện chất lượng tốt, tránh hàng giả để đảm bảo không bị xung đột với hệ thống điện của ô tô gây chập cháy.

Bảo dưỡng xe cũng rất quan trọng, nếu không bảo dưỡng và thay thế những phụ tùng không đảm bảo, lâu ngày có thể bị lão hoá, dễ có nguy cơ bắt lửa. Vì vậy cần bảo dưỡng xe đúng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện khu vực động cơ.

Tránh đỗ xe dưới trời nắng nóng quá lâu. Đỗ xe ngoài đường thời gian dài, dưới trời nắng nóng, vật che chắn không đảm bảo, sẽ làm nhiệt độ trong xe tăng cao, nguy cơ chập điện, cháy nổ xe có thể xảy ra. Tránh để các vật dụng dễ gây cháy nổ trong xe như bật lửa ga, pin điện thoại dự phòng…

Tránh đỗ xe cạnh khu vực bãi rác hay những nơi có nhiều chuột, để loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn chuột chui vào xe và cắn dây điện. Sử dụng các biện pháp phòng tránh chuột để không làm hại đến hệ thống điện gây chập, cháy.

Tránh đi vào đường phơi rơm, rạ. Chiếc xe con bị cháy tại Đức Thọ, Hà Tĩnh vừa qua bị nghi là đi vào đường phơi rơm, rạ. Khi ô tô hoạt động, nhiệt độ tại cổ ống xả rất cao, có thể gây cháy bất kỳ lúc nào có rơm, rạ vướng vào. Nguy cơ cháy với ô tô cũ cao hơn xe mới, do có nhiều vết dầu mỡ tích tụ lâu ngày ở bên ngoài các bộ phận dưới gầm xe.

Trong trường hợp bất khả kháng, người lái nên tắt điều hòa, hạ kính khi đi qua đoạn đường có phơi rơm, rạ; đi chậm và nhẹ nhàng, tránh gây ma sát lớn. Sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm, rạ, hãy dừng lại, xuống kiểm tra, gỡ rơm, rạ cuốn vào gầm xe và gần ống xả (nếu có).