Lễ hội Đền Hùng 2024: Tất cả đã sẵn sàng cho ngày chính hội

Với thời gian 10 ngày, mùa lễ hội Đền Hùng năm nay được ban tổ chức địa phương cam kết sẽ diễn ra với quy mô lớn, nhiều hoạt động xã hội hóa nhưng sẽ trang nghiêm, mẫu mực và an toàn. 

Đội tế xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì) thực hiện lễ tế Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân theo lễ nghi truyền thống. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Đội tế xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì) thực hiện lễ tế Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân theo lễ nghi truyền thống. 

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng sẽ thu hút hàng triệu người dân trong nước và các kiều bào ở nước ngoài trở về quê hương. Thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho chính hội đang gấp rút được hoàn thiện.

Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Vũ Thị Hoài Phương cho biết thời gian diễn ra lễ hội năm nay sẽ kéo dài nhất từ trước tới nay với nhiều hoạt động được xã hội hóa, nhiều hoạt động quy mô lớn chưa từng có.

Xây dựng lễ Giỗ Tổ chuẩn mực cho cả nước

– Xin bà cho biết những nét mới và những hoạt động cơ bản của mùa lễ hội Đền Hùng năm nay?

Mùa lễ hội năm nay chúng tôi hướng tới xây dựng một lễ Giỗ Tổ mẫu mực cho cả nước. Theo đó, phần lễ trang nghiêm, thành kính, đảm bảo an toàn và phần hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cùng các sự kiện để phục vụ đông đảo nhân dân và du khách về dự lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa du lịch Đất Tổ năm 2024.

Đặc biệt, trong vòng 10 ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi tăng cường xã hội hóa các sự kiện biểu diễn, văn nghệ dân gian và hàng loạt các chương trình nghệ thuật về đêm tại thành phố Việt Trì nhằm phục vụ đông đảo du khách.

vnp_vu thi hoai phuong.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Vũ Thị Hoài Phương.

Đặc biệt, chuỗi hoạt động lễ hội ở các xã, vùng ven đền Hùng như đình cổ Hùng Lô, khu du lịch Bạch Hạc-Bến Gót sẽ được mở rộng quy mô lớn chưa từng có và thu hút đông đảo con dân của làng cũng như du khách thập phương. Bên cạnh những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các du khách sẽ được trải nghiệm và hòa mình vào những hoạt động văn hóa đặc sắc như lễ hội làng Hùng Lô, lễ hội đền Tam Giang-Bạch Hạc gắn với sự tích rước nước ở ngã ba sông…

– Thời điểm này, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ Khai hội Đền Hùng ra sao, thưa bà?

Bà Vũ Thị Hoài Phương: Đối với công tác chuẩn bị Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng, ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành đảm bảo điều kiện tổ chức an toàn, thân thiện, mến khách, hình thành điểm tham quan để lại ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch.

Sắp đến ngày chính hội Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/ 3, hiện các công tác từ đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, đến kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chỉnh trang khuôn viên đô thị, quy hoạch hàng quán dịch vụ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì đã đang được siết chặt.

Với các cơ sở lưu trú, chúng tôi cũng đã hướng dẫn, quán triệt họ chỉnh trang, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm dịch vụ nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất để có thể đón lượng khách lớn hàng triệu người sẽ đổ về Đền Hùng trong những ngày lễ hội mùng 9, mùng 10 tháng Ba.

vnp_hoi lang hung lo (18).jpg
Lễ hội làng cổ Hùng Lô nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động của Lễ hội Đền Hùng.
Phát triển 4 trọng điểm du lịch

– Trong chiến lược phát triển ngành du lịch, địa phương sẽ tập trung vào những loại hình sản phẩm nào?

Bà Vũ Thị Hoài Phương: Chúng tôi xác định du lịch Phú Thọ là một ngành kinh tế quan trọng, tập trung vào bốn trung tâm du lịch trọng điểm là thành phố Việt Trì, huyện Tân Sơn, huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa và Tam Nông.

Trong số đó, thứ nhất là chúng tôi tập trung khai thác sản phẩm du lịch văn hóa vốn là dòng sản phẩm tiềm năng và độc đáo của du lịch Phú Thọ. Mặt khác, chúng tôi cũng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, hướng tới bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Thứ hai, chúng tôi định hướng phát triển khai thác sản phẩm du lịch thể thao, du lịch golf để thu hút dòng khách nghỉ dưỡng chi trả cao. Đặc biệt, du lịch sinh thái sẽ hướng tới khai thác giá trị sinh thái vườn quốc gia Xuân Sơn cũng như đồi chè Long Cốc.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn hình thành được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư có tiềm năng, có nguồn lực mạnh đến với Phú Thọ, để hình thành được nhiều các khu, điểm du lịch hiệu quả và chất lượng, thêm nhiều sản phẩm đặc trưng, có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ.

_MG_2028.JPG
Biểu diễn hát Xoan tại đình làng cổ Hùng Lô. 

– Việc gắn phát triển tour đêm Đền Hùng trong dòng sản phẩm mùa lễ hội mà địa phương đang triển khai đã mang lại hiệu quả thế nào với du lịch thành phố, thưa bà?

Bà Vũ Thị Hoài Phương: Thực tế, chúng tôi đã xây dựng thử nghiệm mô hình tour đêm Đền Hùng từ trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau đó đại dịch bùng nổ khiến hoạt động tour đêm này bị gián đoạn. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay, địa phương cũng khởi động lại tour đêm để phục vụ khách tham quan.

Hy vọng trong thời gian tới cùng với việc truyền thông, hoàn thiện và làm mới sản phẩm ở khu di tích lịch sử Đền Hùng, tour đêm sẽ góp phần tạo được điểm nhấn, thu hút khách du lịch tham gia trải nghiệm du lịch địa phương.

– Vậy còn việc bảo tồn và khai thác giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang được phát huy ra sao, thưa bà?

Bà Vũ Thị Hoài Phương: Thời gian qua, Phú Thọ xác định mục tiêu phát triển du lịch văn hóa là một trong những loại hình tiêu biểu, đặc trưng của du lịch Đất Tổ gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, ngành du lịch rất quan tâm tới những đề tài nghiên cứu khoa học để xây dựng các mô hình, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phục vụ du lịch.

Đơn cử như, hình thành mô hình phục vụ khách tham quan tại làng cổ Hùng Lô gắn với hát xoan Phú Thọ đã thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chúng tôi cũng đón khách du lịch đường sông hàng tháng với lượng khách đều đặn đến năm 2026.

vnp_hoi lang co hung lo.jpg
Tổ chức “tiệc cờ” ở làng Hùng Lô trong thời gian diễn ra Lễ hội Đền Hùng. 

Du khách quốc tế rất ấn tượng với loại hình hát xoan làng cổ tại Đình Hùng lô gắn với làng nghề gói bánh chưng và trải nghiệm nhà cổ, cũng như một loạt các hoạt động trải nghiệm đậm đà bản sắc văn hóa, con người làng cổ Hùng Lô.

Và mô hình thứ hai mà chúng tôi phát triển ở vùng ven khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn với thành phố lễ hội, về với cội nguồn dân tộc Việt Nam là điểm khu di tích lịch sử văn hóa Bạch Hạc-Bến Gót, nơi đây gắn với truyền thuyết rước nước ngã ba sông.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng thành công hai điểm du lịch văn hóa cộng đồng là đình Hùng Lô và Bạch Hạc-Bến Gót trở thành hai điểm du lịch văn hóa cấp tỉnh đã được công nhận.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!