Kỹ sư IT 9X thành ông chủ sơn chống thấm

Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, song vì trót đam mê xây dựng, chàng trai 9X bén duyên và trở thành ông chủ thương hiệu sơn chống thấm có tính năng đặc biệt, có thể thi công ngay cả trên bề mặt ẩm ướt.

Chống thấm cả khi bề mặt ướt

Những ngày cuối tháng 9, tại kho hàng sơn Sira (ngõ 92 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) tấp nập khách ra vào. Những thùng sơn, nhỏ thì 1kg, 5kg, lớn 18 – 20kg lần lượt theo xe đến đại lý phân phối, công trường xây dựng. Ở đây, sơn cũng được bán cho cả những khách hàng lẻ đến mua về tự chống thấm.

Kỹ sư IT 9X thành ông chủ sơn chống thấm- Ảnh 1.

Sơn Sira của Công ty Cổ phần Công nghệ Colorcity có thể chống thấm ngay cả khi bề mặt ẩm ướt.

Anh Nguyễn Hoài Nam, công nhân Công ty Sửa chữa nhà Gia Việt (Cầu Giấy) cho biết, hai năm nay, anh đều được công ty chỉ định nhập sơn của Sira để sửa chữa nhà cho khách hàng. Qua thi công, anh nhận thấy Sira có màng sơn co giãn tốt, độ bám dính cao, che phủ được hết vết nứt, kẽ hở.

“Vừa rồi Hà Nội xảy ra khá nhiều trận mưa lớn nhưng không khách hàng nào gọi yêu cầu bảo hành. Sử dụng Sira hai năm nay, chúng tôi chưa phải bảo hành công trình nào”, anh Nam nói.

Anh Nguyễn Văn Luật, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng An Phát (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho hay, chất lượng Sira ổn định, giá rẻ hơn một số chủng loại. “Đơn giá xây dựng được cấu thành với nhiều hạng mục, trong đó có sơn. Không chỉ riêng sơn chống thấm, mọi nguyên liệu khác chúng tôi luôn hướng tới tiêu chuẩn chất lượng, giá cạnh tranh”, anh Luật chia sẻ.

Anh Nguyễn Như Thiện (Đống Đa, HN) lại khá hài lòng khi ngồi nhà có thể mua sơn online, ship tận nhà. Anh cũng có thể tự vá vết thấm góc nhà qua video hướng dẫn. Sơn khô nhanh, không cần pha trộn phức tạp.

Tạo ra sản phẩm phù hợp khí hậu ở Việt Nam

“Sira ra đời sau, rất khó để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu sơn tên tuổi. Nhưng với lợi thế và lối đi riêng, Sira từng bước thuyết phục khách hàng”, anh Nguyễn Đức Lâm, Giám đốc thương hiệu Công ty Cổ phần Công nghệ Colorcity (Chương Mỹ, Hà Nội, chủ thương hiệu sơn Sira) chia sẻ.

Kỹ sư IT 9X thành ông chủ sơn chống thấm- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đức Lâm, Giám đốc thương hiệu Công ty Cổ phần Công nghệ Colorcity.

Anh Lâm cho biết, sơn Sira có thể chống thấm ngay khi bề mặt ẩm ướt, đây là một trong những đặc điểm nổi trội của Sira so với các hãng sơn khác.

“Giải thích một cách dễ hiểu, sơn chống thấm Sira tạo ra một lớp màng chống thấm bền vững, linh hoạt, có khả năng chịu được mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải lựa chọn các thành phần hóa học phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Ngày bình thường khô ráo, không mấy người nghĩ đến chống thấm, nếu có cũng rất ít. Khi mưa đến, bị thấm nước, muốn làm thì lại phải chờ trời nắng lên, mặt bằng khô. Chính vì thế, chúng tôi nảy ra ý tưởng về sơn chống thấm ngay khi bề mặt ẩm ướt, lấy nó làm lợi thế cạnh tranh”, anh Lâm nói.

Hiện Sira được cung cấp toàn quốc qua cửa hàng, đại lý phân phối, bán lẻ và bán online. Không tiết lộ doanh thu cụ thể, song ông chủ Sira cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, Sira tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm trước.

Quảng bá thương hiệu bằng “online to offline”

Anh Lâm nhớ lại, ngay sau khi ra trường, anh không tìm việc theo chuyên ngành công nghệ thông tin mà theo nghề xây dựng vì đam mê. Khi ấy, anh được giao mảng chống thấm.

Quá trình thi công công trình, anh nhận thấy nhiều nhà bị thấm xử lý theo cách truyền thống rất vất vả, tốn thời gian. Ý tưởng về sản phẩm xây dựng khắc phục được những hạn chế này hình thành từ đó.

Sau đó, anh và một số bạn bè đã quyết định chung đường, mỗi người một việc để xây dựng một sản phẩm hoàn toàn mới theo nhu cầu thị trường. Sau 6 tháng lăn lộn, hơn 300 triệu đồng đóng góp từ các thành viên đổ vào các lần thử nghiệm, cuối cùng Sira phiên bản đầu tiên cũng được ra đời.

Song, khó khăn lại đến với đội ngũ startup trẻ khi hết vốn. Sau khi tham khảo và bàn luận, cả nhóm quyết định hợp tác với một nhà máy, bên có công thức, bên có dây chuyền sản xuất, lợi nhuận phân chia. Nhờ thế, cả nhóm đã hóa giải được bài toán vốn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu.

Anh Lâm kể, giai đoạn đầu, Sira chưa có tên tuổi nên rất khó để thuyết phục thị trường, nhất là tiếp cận những khách hàng đã quen với những thương hiệu cũ.

Chính vì thế, Sira đã được định hướng “online to offline”, đi từ quảng bá thương hiệu, lan tỏa chất lượng trên không gian mạng, sau đó mới đến bán hàng đại lý. Cách làm đúng hướng đã giúp cho Sira dần được thị trường chấp nhận. Song khi tiếp thị thị trường offline lại khó gấp bội vì Sira liên tục bị các đại lý từ chối.

“Cuối cùng, những người ngồi phòng lạnh như tôi phải rời phòng, tự mình đi tiếp thị. Đội ngũ startup đặt mục tiêu, trong vòng 1 tháng phải tiếp cận 200 đại lý, đưa bằng được sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Có đi thực tế mới thấy, hàng hóa ở các đại lý rất phân mảnh, hàng tồn nhiều nên họ rất ngại nhập thêm. Trong khi đó, những hãng lớn không giải quyết cho đại lý bài toán đầu ra”, vị doanh nhân trẻ cho hay.

Để giải quyết vấn đề nội tại của các đại lý, anh và đồng nghiệp quyết định tiếp cận thị trường bằng cách trưng bày vỏ để phủ thương hiệu. Hàng sẽ được ship nhanh, ship ngay khi đại lý gọi, thay vì yêu cầu các đại lý phải nhập và trả tiền tươi. Nhờ cách này mà Sira tiếp cận được khách hàng thông qua các kênh đại lý nhanh hơn dự kiến.

“Hiệu quả rõ rệt nên doanh thu và sản lượng tăng lên từng ngày. Chúng tôi đang hướng đến thị trường quốc tế như Lào, Campuchia, Thái Lan… Tôi tin với kinh nghiệm và chính sách hợp tác các bên cùng có lợi, Sira sẽ sớm bao phủ thị trường”, anh Lâm chia sẻ.