Kỹ năng cứu người đuối nước cần biết

Đuối nước là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, xảy ra phổ biến vào mùa hè khi mọi người thường đi bơi để tránh nóng. Tuy nhiên để tránh những tai nạn ngoài ý muốn, những người cứu nạn cũng cần phải biết những kỹ năng cơ bản.

Liên tiếp các vụ đuối nước khi cứu nạn

Thời gian gần đây trên cả nước xảy ra nhiều vụ đuối nước bởi không có kỹ năng ứng cứu. Cụ thể, ngày 10/5, tại huyện Núi Thành (Quảng Nam), một nhóm bạn cùng học lớp 8 Trường THCS Lê Lợi rủ nhau tắm biển Rạng.

Trong lúc tắm, không may em L.P.Q.T. bị sóng biển cuốn trôi ra xa. Thấy vậy, hai em N.H. và T.H.B.D. bơi ra cứu bạn. Tuy nhiên, một lúc sau em T. và em D. bơi vào bờ được, còn em H. bị sóng cuốn mất tích.

Tương tự ngày 10/5, tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xảy ra trường hợp ba ông cháu tử vong dưới hố nước. Cụ thể, thấy hai bạn gần nhà không may đuối nước, cháu nhỏ gọi ông nội ra cứu. Hố nước sâu tích tụ sau các cơn mưa lớn khiến 3 ông cháu tử vong.

Kỹ năng ứng cứu người bị đuối nước

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến nhiều người dân, đặc biệt là trẻ em tử vong. Trước tình trạng này, Bộ Công an khuyến cáo người dân các kỹ năng cứu người bị đuối nước.

Kỹ năng cứu người đuối nước cần biết- Ảnh 1.

Cần có kỹ năng ứng cứu người bị đuối nước. (ảnh minh họa).

Tuỳ vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp. Để đảm bảo vừa cứu được người bị nạn và vừa an toàn cho người ứng cứu, chúng ta có thể chia ra một số trường hợp sau:

Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn.

  • Khi người tham gia cứu nạn không biết bơi thì cần phải bình tĩnh suy xét và nhanh chóng quan sát xung quanh tìm những vật có khả năng cứu người như cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác. Sau đó đưa (hoặc quăng) các vật dụng đó đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.
  • Trường hợp nạn nhân ở gần bờ, người cứu nạn có thể sử dụng tay hoặc cành cây để kéo nạn nhân lên bờ.
  • Trường hợp vị trí của nạn nhân ở cách xa bờ, không thể sử dụng tay hoặc cành cây để cứu, khi đó có thể sử dụng các vật như phao tròn, dây thừng…, nhanh chóng quăng đến vị trí người bị nạn để họ có thể bám vào phao, dây và bơi dần vào bờ.
  • Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn như dây thừng, phao kéo… thì người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.

Kỹ năng cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước

Sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân.

  • Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao rồi sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ.
  • Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi và sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3 đến 5 mét), đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây.

Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ.