Huyện Phù Ninh: Tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Vừa qua, huyện Phù Ninh tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng huyện nông thôn mới tại tỉnh sơn La và mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đồng chí Nguyễn Thị Tố Uyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn; Tham gia đoàn công tác Nguyễn Hữu Nhật- PBT, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Quang Vinh – Phó Bí thư TT Huyện ủy; các đồng chí trong BTV Huyện ủy; Trưởng một số các phòng chuyên môn, đơn vị, các tổ chức chính trị- xã hội huyện; đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện.

 

Trong những mô hình mà đoàn tham quan thì các thành viên trong đoàn rất ấn tượng và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, để từ đó áp dụng vào sản xuất thực tế tại huyện Phù Ninh, đó là mô hình “Vườn cam Ly” của gia đình ông Hà Văn Chiến ở Tiểu khu 68, thị trấn Nông Trường Mộc Châu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại đây, đoàn được ông Chiến chia sẻ về những kinh nghiệm trồng một số loại cây ăn quả. Được biết, trước đây gia đình ông trồng cây bưởi, cam bản địa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vào năm 2011, gia đình trồng thử nghiệm giống cam Ly này từ cuống quả cam ngoại còn sót lại vài mắt và ghép thử vào cây cam đang trồng tại vườn nhà và đã thành công, 3 năm sau, những mắt ghép đã phát triển tốt và bắt đầu cho quả, ăn ngon, ngọt, giòn và không hạt như quả cam ngoại lúc bấy giờ.. Những trái cam ở đây có tên gọi dân dã là cam rốn lồi, lồi rốn, cam không hạt, hay thường gọi là cam Navel. Có tên Navel vì phần dưới của quả cam có quả phụ và lồi ra giống như rốn quả. Cho đến nay, cam vàng Navel được nhân giống theo phương pháp ghép cành.

 

 

Hiện nay, vườn cam có gần 400 cây đang cho thu hoạch với diện tích trên 4.000 m2. dự kiến sản lượng năm nay thu về khoảng về 35 tấn, với mức giá trung bình khoảng 70.000 – 80. 000 đồng/1 kg. Qua quá trình trồng, cây cam rất phù hợp với điều kiện khí hậu của Mộc Châu, sinh trưởng và phát triển tốt, quả ngọt và đặc trưng của Mộc Châu. Từ đó, bà con nông dân trong huyện đã nhân giống phát triển, đến nay toàn huyện đã có khoảng trên 50 ha. Nhằm tạo nên sự gắn kết bền vững giữa du lịch với trải nghiệm nông nghiệp, HTX Đặc sản Tây Bắc đã liên kết với các hộ trồng Cam trên địa bàn huyện Mộc Châu xây dựng Dự án “Cây cam của tôi” và đang triển khai rất hiệu quả.

 

 

Vào những ngày cuối Đông, trên các triền đồi ở Tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu, Sơn La) đang rực rỡ sắc vàng của những quả cam Ly chín mọng. Màu vàng bắt mắt của những quả cam chi chít treo trên cành thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh, thưởng thức và mua sắm những quả cam ngon ngọt về làm quà cho gia đình.

 

 

Chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm đã được tổ chức thành công tốt đẹp, có ý nghĩa góp phần mở rộng tầm nhìn và kiến thức trong phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là việc phát triển các loại cây ăn quả tiềm năng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Phù Ninh. Đồng thời cũng giúp các thành viên tham gia tìm kiếm được các phương thức canh tác mới trên các vùng đồi, các phương pháp thực hiện nhằm tăng năng suất, giảm thiểu tác động và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất và xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp cao gắn với du lịch nông nghiệp bền vững, hiệu quả và phù hợp, có thể áp dụng và nhân rộng tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ.