Huyền diệu, thiêng liêng Đền Hùng

Có một điều thật lạ kỳ: Người sang giàu đứng trước Đền Hùng thấy mình như hạt bụi nhỏ nhoi. Tuổi trẻ thấy đắm mình trong vẻ đẹp non sông gấm vóc, mở mang kiến thức đường đời. Người trưởng thành tìm thấy những giá trị nhân sinh về đạo lý nguồn cội ơn nhớ tổ tiên, càng ngẫm suy về triết lý thiêng liêng hai chữ “đồng bào”!

1. Nhớ ngày bé, nghe mẹ hát: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Sau này lớn lên đi học, tôi mới biết đấy là câu ca nói đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đến khi trưởng thành, tôi đã đôi ba lần về Đền Hùng. Tôi luôn thèm cái cảm giác của kẻ hành hương trong ngày giỗ Tổ. Tôi được hòa mình giữa biển người cuồn cuộn như lớp sóng, từ muôn nẻo đường, trong Nam ngoài Bắc, để nghe đủ các giọng nói vùng, miền, của các lứa tuổi trẻ, già, đến kiều bào ở nước ngoài đang xốn xang tìm về đất Tổ, mà trong lòng mỗi người đều náo nức.

Tôi đã được chứng kiến ngợp trời âm thanh và hương sắc của các loại hoa rừng, hương trầm, hương nến, mịt mờ bảng lảng khói bay giữa vùng đất thiêng, vẫn có những giây phút thả hồn trong tiếng thuyết minh của nhân viên Bảo tàng Hùng Vương. Khi bổng trầm, có lúc như xa vời hư không, thoáng chốc hiện về dồn dập tiếng quân reo, ngựa hý, tiếng chân voi đạp suối, băng rừng truy sát quân thù, và cả tiếng lửa cháy rừng rực trong đêm ăn mừng chiến thắng. Mấy ai có thể nhớ tường tận các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa của nước ta? Nhưng Đền Hùng là nơi thiêng liêng trong những đền đài thiêng liêng nhất!

Huyền diệu, thiêng liêng Đền Hùng

Nghi lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trong khuôn khổ giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Không phải Đền Hùng quy mô to lớn, cao chất ngất trời mây, hay những lăng tẩm nguy nga tráng lệ. Ngược lại, Đền Hùng khiêm nhường, có nền móng kiến trúc khá giản dị. Vậy mà trong tâm thức con dân nước Việt lại muôn phần linh thiêng huyền bí. Linh khí càn khôn, tinh hoa vầng nhật nguyệt đã chung đúc, hội tụ trên dải núi Nghĩa Lĩnh, đất Phong Châu, thành linh hồn dân tộc.

Đền Hùng là tên gọi khái quát, thực ra quần thể này có 4 ngôi đền: Từ Đền Hạ, lên Đền Trung, Đền Thượng và xuống Đền Giếng. Ở đây, có lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu, dân gian gọi là mộ Tổ, cùng các kiến trúc khác, tất cả được phối cảnh hài hoà giữa miền thiên nhiên hùng vĩ của đất trời Phong Châu.

Đền Hùng là Di tích quốc gia đặc biệt và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Biết bao đời nay, trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, Vua Hùng là vị thủy tổ dựng nước, thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc Tổ, một hiện tượng văn hóa rất hiếm thấy trên thế giới. Điều này đã được PGS, TS Đặng Văn Bài, chuyên gia di sản văn hóa khẳng định: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đỉnh cao của sự thăng hoa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ xưa”.

2. Lịch sử ghi lại, sau khi giành chính quyền độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh xác định ngày giỗ Tổ Hùng Vương-mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc. Sử sách ghi lại rằng, đúng 16 giờ ngày 11-4-1946 (mồng 10 tháng Ba năm Bính Tuất), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội).

Hồi ấy, các cơ sở Quốc dân Đảng còn hoạt động mạnh ở Phú Thọ. Biết đây là thời điểm nhạy cảm, Chính phủ vẫn cử đoàn đại biểu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu về dự lễ dâng hương Đền Hùng. Có một hình ảnh làm xúc động lòng người, đó là trong lễ dâng hương, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng lên tấm bản đồ và một thanh gươm quý để cáo tế với tổ tiên về lòng quyết tâm bảo vệ nền tự chủ quốc gia của 25 triệu đồng bào đất Việt.

Hơn 8 năm sau, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, ngày 19-9-1954, trên đường từ chiến khu trở về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã chọn Đền Hùng là điểm tới thăm. Người nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12) tại Đền Giếng. Lời dặn của Người năm ấy như lời thề thiêng liêng vọng vào sông núi: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hơn 8 năm sau (19-8-1962), Bác mới thăm lại Đền Hùng. Lần này, Người dặn dò nhân dân Phú Thọ một điều giản dị: “Trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”.

Bây giờ ở Đền Hùng đã xanh cây, tươi mát môi trường sinh thái. Vườn hoa, cây cảnh với nhiều loại cây quý dọc theo các đường dạo, trục hành lễ, sân lễ hội, xung quanh nhà bảo tàng và bao quanh các hồ nước. Cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn như đón chào khách muôn phương hành hương về cội nguồn đất Tổ.

3. Trên thế giới, có nhiều danh lam thắng cảnh huy hoàng, kỳ vĩ, nhưng hiếm thấy di tích nào như ở Đền Hùng. Dường như ở đây mỗi ngôi đền, lăng miếu, tảng đá, sơn khê, giếng nước… đều ẩn chìm truyền thuyết, thấm đẫm chất huyền thoại nhân văn. Bảo tàng Hùng Vương là một kiến trúc độc đáo, như cầu nối giữa hiện tại với quá khứ, pho sách lưu giữ khúc tráng bi về lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi sự tích bánh chưng, bánh giầy trong thế giới quan của người Việt cổ quan niệm trời tròn, đất vuông.

Ở quần thể di tích này có ngôi Đền Hạ, tương truyền là nơi nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, sinh ra trăm người con. Rồi 50 người theo cha xuống biển, khai phá ruộng đồng, lấn biển mở cõi; 50 người theo mẹ lên núi, trong đó người con cả ở lại đất Phong Châu được tôn làm vua, là Hùng Vương thứ nhất. Cũng ở đây còn có Đền Giếng, nơi có giếng đá, nước trong vắt quanh năm. Tương truyền, ngày xưa công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Hùng Vương thứ mười tám đã gội đầu, soi gương, vấn tóc khi theo cha kinh lý qua đây.

Về Đền Hùng càng thấm thía hai tiếng “đồng bào”, nghĩa là cùng một bọc bào thai. Mới hay, các dân tộc từ biển khơi đến rừng già, dù tiếng nói, chữ viết khác nhau, vẫn là anh em trong một bọc trứng Rồng của mẹ Âu Cơ, nguồn gốc sâu xa là thế.

Nghìn đời bãi bể nương dâu, chiến tranh tao loạn, nhưng những người con từ bọc trăm trứng đã cố kết lại thành sức mạnh vô biên, để lại câu ca sống mãi với thời gian “Bầu ơi thương lấy bí cùng” và thành tư tưởng bất khả chiến bại “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (Hồ Chí Minh).

Có một điều thật lạ kỳ: Người sang giàu hãnh tiến đứng trước Đền Hùng thấy mình như hạt bụi nhỏ nhoi. Tuổi trẻ thấy đắm mình trong vẻ đẹp non sông gấm vóc, mở mang kiến thức đường đời. Người trưởng thành tìm thấy những giá trị nhân sinh về đạo lý, nguồn cội, ơn nhớ tổ tiên, càng ngẫm suy về triết lý thiêng liêng hai chữ “đồng bào”!

Tĩnh lặng trước hương khói ban thờ đất Tổ, mỗi con dân nước Việt vẫn thấy mình mới chỉ chạm khẽ vào sự huyền diệu, thiêng liêng sâu thẳm Đền Hùng!