Hà Nội: Nhà hàng, quán nhậu “vỡ trận” dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ghi nhận tại các nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội luôn trong trạng thái đông nghịt khách vào giờ cao điểm, nhiều nơi kín chỗ với công suất 100%. Giá cả vẫn được cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giữ ổn định dù chịu áp lực lớn từ giá đầu vào tăng mạnh.

Dịp lễ 30/4 – 1/5, phần lớn người ở lại thành phố đều muốn tranh thủ dịp nghỉ lễ để đến ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu với bạn bè, người thân. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều chật kín khách lui tới thưởng thức, gây nên tình trạng quá tải.

Theo ghi nhận của phóng viên vào tối 29/4, tại các hàng quán kinh doanh ẩm thực trên phố cổ Hà Nội, nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ lựa chọn không gian ngoài trời để ăn uống, giao lưu dịp lễ khiến các nhà hàng, quán ăn tại đây đều bị quá tải.

Các quán ăn không còn chỗ trống vào giờ cao điểm.

Nhân viên tại đây làm việc liên tục không ngơi tay. Những nhóm bạn đến muộn khó khăn để tìm được chỗ trống, nhân viên nhanh nhẹn xếp bàn ghế kê hẳn ra giữa đường, chiếm lối đi bộ để phục vụ các thực khách.

Trên phố Nguyễn Khang kéo dài tới phố Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội), hàng chục quán buffet lẩu nướng giá rẻ hoạt động xuyên lễ. Lượng khách đông đảo, kín bàn, tràn từ trong quán ra vỉa hè.

Anh Hùng, chủ quán buffet lẩu nướng ở phố Nguyễn Khang cho biết, lượng khách đặt bàn dịp nghỉ lễ đến thời điểm này đã tăng gấp 3 lần so với những ngày bình thường. Đến cuối ngày 27/4, hầu hết các bàn đều kín lịch đặt.

Trong dịp này, quán ăn phải huy động thêm nhân công làm thời vụ, cũng như chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng từ rất sớm để đảm bảo đủ cung cấp, phục vụ khách hàng.

“Từ tối ngày 26/4, lượng khách bắt đầu đông dần. Cho tới tối ngày 27-29/4, quán kín bàn, quá tải. Chúng tôi ưu tiên xếp bàn cho khách đã đặt trước. Nhiều khách đến muộn chưa kịp đặt, nhà hàng đành từ chối khéo, mong khách thông cảm. Có nhiều thời điểm khách chấp nhận chờ cả tiếng để đợi có bàn” – anh Hùng chia sẻ.

Cách đó không xa, phố Tô Hiệu (Cầu Giấy) cũng luôn trong trạng thái chật kín người lui tới các nhà hàng, quán ăn thưởng thức.

Anh Hoà Bình, chủ quán lẩu trên phố Tô Hiệu cho biết, vào buổi trưa và tối, quán rất đông khách vì nhiều hội nhóm, gia đình tổ chức ăn uống. Lượng khách đặt chỗ trước chiếm hơn một nửa các bàn tại quán.

Cửa hàng kê thêm bàn ghế trên vỉa hè để kịp phục vụ các thượng khách.

Theo anh Bình, tuy là ngày lễ nhưng quán không tăng giá và không phụ thu thêm phí. Không chỉ riêng dịp lễ 30/4 năm nay mà những dịp lễ khác, anh Bình đều giữ nguyên giá, đây là một trong những cách để anh níu chân các “thượng đế” khi mà họ có quá nhiều sự lựa chọn.

“Doanh thu của nhà hàng trong 2 ngày 28 và 29/4 bằng cả một tuần bình thường cộng lại. Nhà hàng đã phải chủ động lên phương án chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón khách và phục vụ nếu khách đến quá đông. Trong tối ngày 29/4, tôi đã từ chối nhận bàn và thông báo không nhận thêm khách do quán đã kín chỗ” – anh Bình chia sẻ.

Dịp nghỉ lễ lần này, nhiều người tỏ ra buồn lòng, than vãn sau khi gọi điện đến một số nhà hàng, quán ăn đặt chỗ thì hầu hết được báo đã hết chỗ.

“Tôi gọi điện đặt bàn tại 3 quán quen nhưng đều được báo hết chỗ, họ chia sẻ tình trạng quá tải của quán và mong tôi thông cảm. Vì vậy, tôi chấp nhận thay đổi thời gian ăn uống, đi muộn hơn 9 giờ tối để tránh giờ cao điểm đông đúc” – chị Thu Hoài (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ nhà hàng, quán ăn quá tải, nhiều người dân chọn quán nhậu làm địa điểm để gặp mặt, trò chuyện và tận hưởng ngày nghỉ lễ bên gia đình, bạn bè khiến các quán bia hơi đều rơi vào tình trạng kín chỗ, hết bàn.

Trong thời tiết nắng nóng oi bức, các quán bia đều đông nghịt khách từ sáng tới khuya.

Anh Nguyễn Văn Lương – chủ một cửa hàng bia hơi trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện trung bình mỗi ngày cửa hàng bán từ 130 – 150 lít bia hơi, ngoài ra còn các loại bia chai và bia lon khác.

“Trong dịp nghỉ lễ nắng nóng oi bức, sức tiêu thụ bia tại quán rất mạnh. Đây là khoảng thời gian lý tưởng giúp quán tăng doanh thu sau nhiều tháng hoạt động cầm chừng. Thời gian này, tôi cũng đóng cửa muộn hơn đến 2 giờ sáng để đáp ứng nhu cầu của khách” – anh Lương chia sẻ.

Anh cho biết thêm, thói quen uống rượu, bia của người dân đã bắt đầu thay đổi kể từ khi CSGT siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Khách lui tới quán chỉ uống cầm chừng, uống cho vui, cho mát chứ không uống nhiều như những năm trước. Họ cũng sử dụng dịch vụ taxi, xe ôm hoặc gọi người thân ra đón để tránh vi phạm an toàn giao thông.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian gần đây ghi nhận tình trạng một số nhà hàng và dịch vụ nấu ăn bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách sử dụng. Đến gần thời gian đặt tiệc, đối tượng lại gửi biên lai hóa đơn giả và yêu cầu nhà hàng chuyển số tiền đặt hàng cho phía cửa hàng bán rượu và thực phẩm.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không nên nhận chuyển khoản hay thanh toán hộ cho những đối tượng không rõ danh tính, kiểm tra kỹ nội dung biên lai và chỉ nên thực hiện khi chắc chắn tài khoản của mình nhận được tiền của đối tượng.

Trường hợp phát hiện những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.