Giữ nghề truyền thống

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào Mường. Với những cố gắng, nỗ lực của chính quyền và cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản của nghề dệt truyền thống, đưa nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Giữ nghề truyền thốngBàn tay khéo léo của phụ nữ Mường xã Kim Thượng đã góp phần bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở địa phương.

Những sản phẩm từ thổ cẩm là vật không thể thiếu trong dịp lễ trọng, việc hiếu, hỉ, là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình trong quan niệm truyền thống của người Mường. Những tấm vải thổ cẩm, bộ váy áo, cạp váy, tấm chăn đệm được dệt tinh xảo, hoa văn, màu sắc rực rỡ luôn là thước đo giá trị của người phụ nữ Mường. Nghề dệt thổ cẩm với các sản phẩm đặc trưng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, đậm nét dân tộc thông qua trang phục, đặc biệt là trang phục nữ giới Mường. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp để dùng trong cuộc sống và sinh hoạt mà còn chứa đựng cả tâm hồn của người Mường gửi gắm vào đó.

Trải qua những biến động của thời gian, có những thời điểm, nghề dệt thổ cẩm đã dần mai một, trong các bản làng còn rất ít người biết quay bông, dệt vải. Để phục hồi, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, UBND huyện Tân Sơn đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Mường tại xã Kim Thượng, Xuân Đài do các nghệ nhân người Mường người trực tiếp truyền dạy. Huyện đã phối hợp Trung tâm dạy nghề tỉnh mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, trong đó có lớp dạy nghề do cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha thực hiện qua đề án thí điểm chương trình dân tộc cho nhóm yếu thế tại Phú Thọ cho học viên là đoàn viên thanh niên, phụ nữ 2 xã Xuân Đài, Kim Thượng.

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở huyện Tân Sơn vẫn được duy trì và phát triển. Sản phẩm chủ yếu dùng làm trang phục cho người dân địa phương và làm của hồi môn cho con gái trước khi đi lấy chồng. Sản phẩm dệt vải thổ cẩm truyền thống đã và đang trở thành sản phẩm đặc trưng, chủ yếu tiêu thụ tại chỗ hoặc ký gửi ở các cửa hàng, khách sạn, các điểm du lịch… trong, ngoài địa phương. Đến nay, sản phẩm đã được khách du lịch quan tâm, yêu thích do được làm từ nguyên liệu thô sơ và trải qua quá trình nhuộm, dệt hoàn toàn thủ công từ bàn tay khéo léo của bà con người Mường.

Trong 2 xã còn duy trì nghề dệt thổ cẩm, xã Kim Thượng hiện có trên 50 hộ còn dệt thổ cẩm, trên 50 nghệ nhân độ tuổi từ 50 – 70 tuổi, nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành, có thể truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho cộng đồng; xã Xuân Đài hiện có 1ha trồng bông phục vụ dệt vải, có khoảng 173 hộ còn dệt thổ cẩm và 1 câu lạc bộ dệt thổ cẩm khu Vượng với 26 thành viên. Năm 2008, làng nghề dệt thổ cẩm Làng Chiềng đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển du lịch cộng đồng cho người dân nơi đây. Sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề Làng Chiềng được giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Các nghệ nhân: Đinh Thị Bình, Sa Thị Khoán, Sa Thị Sữa, Sa Thị Thoan… là những người được chọn ra trong các cuộc thi dệt tổ chức vào dịp lễ hội hàng năm, có trách nhiệm phụ trách, duy trì các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em trong xã.

Nghệ nhân Sa Thị Tâm chia sẻ: “Tôi và những người con xứ Mường rất hạnh phúc, tự hào khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của mình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, truyền dạy lại cho con cháu để tiếp tục giữ nghề truyền thống”.

Hy vọng với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Xuân Đài, Kim Thượng sẽ được truyền dạy cho nhiều bạn trẻ để nghề dệt thổ cẩm mãi là hồn cốt, bản sắc văn hóa độc đáo của người Mường Tân Sơn.

Phương Thanh