Phần này có các đề mục: I, II, III
I – GIỚI THIỆU VỀ HỘI ĐỒNG HƯƠNG CẨM KHÊ-PHÚ THỌ TẠI HÀ NỘI;
II – QUY ƯỚC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HỘI ĐỒNG HƯƠNG HUYỆN CẨM KHÊ TẠI HÀ NỘI;
(Sửa đổi, bổ sung năm 2024)
III – LỊCH SỬ HUYỆN CẨM KHÊ.
MỤC I
GIỚI THIỆU VỀ HỘI ĐỒNG HƯƠNG
CẨM KHÊ – PHÚ THỌ TẠI HÀ NỘI
“Nón ai nón bạc nón vàng / Nón em lá cọ che ngang mặt trời”
Bà Con Cẩm Khê tại Hà Nội luôn nhớ về Quê Hương, mong muốn tham gia xây dựng “SUỐI GẤM – GIẦU MẠNH BỀN LÂU”.
Hội Đồng hương Cẩm Khê tại Hà Nội (Hội ĐH) là Hội quần chúng, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, nhằm mục đích tăng cường đoàn kết động viên khuyến khích nhau vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, phát huy sức mạnh truyền thống quê hương phát hiện và bồi dưỡng tài năng trí tuệ của Người Cẩm Khê, góp phần Xây dựng quê hương, đất nước giầu đẹp, xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh.
Hội ĐH hoạt động theo đúng các qui định của Đảng và Nhà nước về các Hội đoàn thể quần chúng. Phương châm hoạt động của Hội ĐH là: khuyến khích Bà Con Cẩm Khê tại Hà Nội an cư đoàn kết hòa nhập với cộng đồng Thủ Đô, góp phần xây dựng quê hương văn minh, giầu đẹp.
Hội ĐH Cẩm Khê tại Hà Nội được thành lập (dựa vào nòng cốt là Chi Hội Cấp 3 Cẩm Khê tại Hà Nội). Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, Hội ĐH tiến hành Đại hội bầu Ban Chấp hành (BCH) chính thức. Đại hội toàn thể (đại biểu) Hội viên (do Ban Chấp hành triệu tập) là Ban lãnh đạo cao nhất của Hội ĐH.
BCH Hội ĐH là cơ quan quản lý và tổ chức các hoạt động của Hội ĐH giữa hai kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ của BCH Hội ĐH là 5 năm (hội nghị trù bị Hội viên lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt đại diện lãnh đạo Huyện Cẩm Khê, Phú Thọ).
BCH Hội ĐH gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên BCH là Tổng Thư ký (TTK) và các ủy viên Thư ký (TK ) trong đó có 1 Thủ quĩ. Hội ĐH chủ động phối hợp với HĐH các Huyện và các câu lạc bộ thuộc hội ĐH Phú Thọ tại HN để hoạt động.
Cũng có thể gọi là Điều lệ Theo đề nghị của Ban Thường trực Hội Cấp 3 Cẩm Khê, Ngày 11-4-2004 Hội đã quyết định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Hội ĐH Cẩm Khê tại Hà Nội do Ông Trần Văn Giá làm Chủ tịch. Chủ nhật 11-4-2004, tức 22 tháng Hai nhuận, Giáp Thân tại Viện Nghiên cứu Địa chính Hoàng Quốc Việt Hà Nội. Tham gia có các ông/bà:
- Ông Nguyễn Dũng Tiến – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐ Nhân dân Huyện.
- Ông Lê Thế Vang – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện.
- Ông Phùng Hữu Nghị – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy.
- Ông Hà Thu Bông – UV TV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện.
- Ông Bùi Văn Mai – UV TV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện.
- Ông Nguyễn Kim Doanh – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Giáo dục Huyện, Chủ tịch Hội Cấp 3 Cẩm Khê.
- Ông Trần Ngọc Tăng (nguyên Phó BT thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ) – Phó Trưởng Ban Khoa giáo TW – Phó BT thường trực Đảng ủy Khối Cơ quan Khoa giáo TW.
Hội ĐH có các Chi Hội trực thuộc là các Hội Đồng Hương Xã, Câu lạc bộ Sinh viên (sau đây gọi là Hội Xã, CLBSV). BCH Hội ĐHCK có thể quyết định chuẩn y Ban Liên lạc Hội Xã, Câu lạc bộ Sinh viên.
Các Xã, Câu lạc bộ Sinh viên có Ban Liên lạc (BLL). BCH Hội ĐH có quyền vận động, cử các BLL lâm thời của Hội Xã, CLBSV để hoạt động. Hội ĐH Xã, CLBSV nên chủ động phối hợp với HĐH Cẩm Khê tại HN để hoạt động.
Lịch sử hoạt động của Hội ĐH
Tham gia cùng HĐH Phú Thọ dâng hương Đền Hùng trong dịp Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 hàng năm:
Các BLL Hội Xã tổ chức gặp gỡ và chúc mừng Bà Con đang làm việc và sinh sống tại khu vực Hà Nội. Hội ĐH có thể phối hợp với các cơ quan Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương tổ chức các hoạt động có ý nghĩa “nhớ về cội nguồn”.
Hội ĐH tổ chức thăm hỏi Bà Con (khi bị ốm đau bệnh nặng hoặc Gia đình có chuyện buồn) đang làm việc, sinh sống tại khu vực Hà Nội và quê hương Cẩm Khê.
Hoạt động tài chính của Hội ĐH
Quỹ do các Cơ quan (Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc), Tổ chức, Cá nhân (trong nước và ở nước ngoài) tài trợ và đóng góp của Hội viên. Quỹ được BCH (BLL) quản lý chặt chẽ nhằm:
+ Tổ chức gặp mặt Hội viên HĐH.
+ Xây dựng Quỹ khuyến khích Bà Con nghèo vượt khó, làm kinh tế.
+ Tổ chức: Chúc mừng thọ HV; Viếng người thân của HV qua đời.
Bảo đảm hoạt động của Hội ĐHCK (họp toàn thể BCH, các BLL thường kỳ hàng năm hoặc đột xuất, ra Bản tin tình hình hoạt động, in ấn tài liệu…).
Chúc mừng, Hỗ trợ một số hoạt động của huyện Cẩm Khê, các hoạt động của các hội Huyện, các CLB thuộc HĐH Phú Thọ, Hội Xã thuộc huyện CK tại HN và quê hương, hoạt động của CLBSV; thiên tai, bão lụt… (theo quyết định của BCH Hội ĐH).
Phương hướng tiếp theo – từ năm 2024.
Sau thời gian dịch bệnh kéo dài, Hội ĐH bị gián đoạn hoạt động từ 2019-2023. Năm 2024, Hội ĐH tích cực kiện toàn lại tổ chức các loại hoạt động để kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương Cẩm Khê, mục đích, ý nghĩa của Hội ĐH.
Do đó, Hội ĐH sửa đổi, bổ sung Quy chế đã được xây dựng từ năm 2004 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo đó đã thay đổi mô hình Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội… thành mô hình Ban Liên lạc, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban…..đồng thời bổ sung thêm một số thành phần, bộ phận khác để giúp Hội ĐH hoạt động được công khai, minh bạch và thiết thực hơn theo Quy ước dưới đây.
MỤC II
DỰ THẢO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
QUY ƯỚC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
HỘI ĐỒNG HƯƠNG HUYỆN CẨM KHÊ TẠI HÀ NỘI
(Sửa đổi, bổ sung năm 2024)
Điều 1: Tên gọi, tôn chỉ, mục đích của Hội
- Tên gọi: Hội Đồng hương huyện Cẩm Khê tại Hà Nội, gọi tắt là HỘI ĐỒNG HƯƠNG CẨM KHÊ – HÀ NỘI (sau đây viết tắt là Hội)
- Tôn chỉ: Hội là một tổ chức xã hội tự nguyện của những người có quê hương tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú thọ, là con dâu, con rể của các gia đình có quê hương ở huyện Cẩm Khê; những người đã từng sinh sống, học tập, làm việc tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại thành phố Hà Nội. Hội hoạt động không vì mục đích vụ lợi và phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
- Mục đích:
- Hội là nơi để hội tụ những người cùng quê hương, tạo điều kiện để mọi người cùng giao lưu, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng nhau hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh, chia sẻ thông tin,trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, động viên lẫn nhau trong công tác, làm việc và học tập tiến bộ, góp phần xây dựng gia đình hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
- Thăm hỏi, động viên gia đình Hội viên khi có việc vui, buồn, lúc khó khăn.
- Duy trì mối quan hệ gắn bó tình cảm các thành viên với nhau, với quê hương Cẩm Khê, cùng nhau đóng góp trí tuệ, vật chất góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Điều 2: Hội viên
- Đối tượng: Hội viên là những người có quê hương tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, gồm bản thân và thân nhân (vợ, chồng, con, cháu dâu rể); những người đã từng sinh sống, học tập, làm việc tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ từ 18 tuổi trở lên đang cư trú, công tác, học tập ở Hà Nội, tự nguyện gia nhập, tán thành và tuân thủ Quy ước của Hội.
Những người không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng quan tâm, quý mến Hội và có đóng góp, xây dựng, ủng hộ Hội, được coi là Hội viên danh dự và nếu có nguyện vọng được gia nhập Hội như Hội viên.
- Quyền lợi, nghĩa vụ của Hội viên:
- a) Quyền lợi
Hội viên có các quyền lợi sau:
– Hội viên có quyền ứng cử, đề cử và bầu cử vào Ban liên lạc của Hội.
– Hội viên được tham gia mọi hoạt động của Hội.
– Hội viên và con em của hội viên có nhiều thành tích trong hoạt động của Hội, trong học tập sẽ được tuyên dương và khen thưởng.
– Hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ được Hội quan tâm, giúp đỡ, động viên về tinh thần và vật chất tùy theo khả năng của Hội.
- b) Nghĩa vụ
Hội viên có các nghĩa vụ sau:
– Tham gia các hoạt động do Hội tổ chức;
– Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công tác, học tập;
– Thăm hỏi lẫn nhau khi các gia đình hội viên có tin vui, việc buồn, khi ốm đau, hoạn nạn; Thông tin kịp thời các trường hợp ốm đau, tử tuất, sự cố bất thường cần sự giúp đỡ của gia đình hội viên và hội viên khác khi có thông tin.
– Hội viên giữ mối liên hệ với Hội thông qua Ban Liên lạc và các công cụ thông tin do Hội quản lý, vận hành để phản ánh những thông tin cần thiết liên quan đến đời sống Hội viên và/hoặc những Hội viên khác;
– Hội viên đóng hội phí đầy đủ theo quy định hàng năm của Hội. Hội viên không tham gia sinh hoạt, không đóng hội phí 02 năm liền mà không có lý do chính đáng thì xóa tên trong Danh sách hội viên.
– Tham gia viết bài và cung cấp thông tin trên Website của Hội.
Điều 3. Tổ chức Hội
- Hội nghị toàn thể
Hội nghị toàn thể là hình thức sinh hoạt định kỳ của Hội để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của Hội. Hội nghị toàn thể mời toàn thể hội viên tham dự; họp mỗi năm một lần kết hợp với tổ chức Gặp mặt đầu năm mới vào mùa Xuân, trước lễ Giỗ tổ Hùng Vương; ngày giờ cụ thể do Ban Liên lạc quyết định.
Hội nghị toàn thể sẽ quyết định những vấn đề sau:
– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các Thành viên Ban liên lạc Hội;
– Phê duyệt các kế hoạch hoạt động của Hội do Ban Liên lạc xây dựng;
– Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy ước của Hội;
- Ban Liên lạc Hội
- a) Cơ cấu, tổ chức của Ban Liên lạc
– Ban Liên lạc là bộ phận tổ chức, điều hành các hoạt động của Hội, thành viên Ban liên lạc do Hội nghị toàn thể bầu ra; Nhiệm kỳ Ban Liên lạc là 05 năm (hiện tại là nhiệm kỳ 2021-2025).
– Ban liên lạc bầu ra Thường trực Ban Liên lạc gồm: Trưởng Ban và 3 – 5 Phó trưởng Ban, Ban Thư ký gồm 01 Tổng Thư ký, 01 phó tổng thư ký và 1-2 thư ký, 01 kế toán, 01 thủ quỹ, Ban Kiểm tra nội bộ, gồm tối thiểu 3 thành viên;
– Trưởng Ban Liên lạc phân công cụ thể công việc cho từng thành viên Ban Liên lạc phụ trách các hoạt động của Hội;
– Trong nhiệm kỳ, căn cứ tình hình thực tế Ban Liên lạc của Hội có thể được kiện toàn (bổ sung, thay thế thành viên và điều chỉnh nhiệm vụ của các thành viên Ban Liên lạc) cho phù hợp với điều kiện thực tế;
– Ban Liên lạc tổ chức họp định kỳ 06 tháng một lần, có thể triệu tập họp bất thường để giải quyết công việc của Hội khi cần thiết;
– Kết thúc 1 nhiệm kỳ, tổ chức Hội nghị toàn thể và bầu Ban Liên lạc mới.
- b) Nhiệm vụ của Ban Liên lạc
– Xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội, lấy ý kiến và thông qua tại Hội nghị toàn thể;
– Điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động của Hội theo Kế hoạch;
– Luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với quê hương Cẩm Khê, Hội đồng hương tỉnh Phú Thọ tại Hà Nội, Hội đồng hương các huyện bạn và Hội đồng hương các xã thuộc huyện Cẩm Khê tại Hà Nội;
– Quản lý Quỹ hội và quyết định việc chi tiêu theo chế độ tài chính nội bộ của Hội;
– Chuẩn bị và tổ chức Hội nghị toàn thể và sự kiện Gặp mặt thường niên;
– Hỗ trợ các hoạt động của thanh niên, sinh viên là con em Cẩm Khê học tập, công tác tại Hà Nội;
– Phối hợp với Hội Đồng hương các xã trong huyện để cập nhật thông tin nắm bắt kịp thời về tình hình hội viên và hoạt động của các Hội Đồng hương xã.
Điều 4. Thông tin liên lạc và truyền thông của Hội
- Hội thành lập một Nhóm Zalo chung có tên ĐỒNG HƯƠNG CẨM KHÊ-HÀ NỘI, kết nối tất cả các thành viên có sử dụng Zalo trong Danh sách hội viên để thông báo về các hoạt động chung của Hội (không sử dụng cho thông tin các nhân);
- Hội thiết lập một trang Web có tên ĐỒNG HƯƠNG CẨM KHÊ-HÀ NỘI (Suối Gấm – Hà Thành) để quảng bá và đăng tin các hoạt động của Hội; đưa tin tức phát triển kinh tế-xã hội của quê hương Cẩm Khê cùng với các tiện ích khác như: nêu gương người tốt, việc tốt; Trao đổi kinh kinh nghiệm công tác, sản xuất kinh doanh; Giới thiệu việc làm, v.v.
- Tên miền website của Hội là : https://donghuongcamkhe.com
– Phụ trách công tác truyền thông là Phó trưởng Ban Liên lạc và 1 thành viên hỗ trợ về công nghệ thông tin (Ban Liên lạc sẽ quy định chi tiết về quản lý các công cụ thông tin và truyền thông).
Điều 5: Tài chính Hội
- Hội phí và Quỹ Hội
- Hội phí:
– Hội viên tham gia Hội đóng hội phí hàng năm, kể từ năm đăng ký tham gia;
– Hội viên đăng ký và có tên trong Danh sách hội viên đóng tiền hội phí vào thời điểm Gặp mặt đầu năm (Hội nghị toàn thể), mức đóng hội phí quy định ở Khoản 2, Điều 5 Quy ước này; Hội viên không có điều kiện tham dự Gặp mặt đầu năm thì đóng qua Tài khoản của Hội.
– Hội phí không bao gồm tiền đóng góp liên hoan tại các cuộc Gặp mặt đầu năm (mức đóng góp liên hoan cụ thể do Ban tổ chức quy định).
- b) Quỹ Hội
– Qũy Hội là tài sản chung của Hội được sử dụng cho các hoạt động của Hội như: Tổ chức hội họp, sự kiện, thăm hỏi động viên Hội viên, khen thưởng, hoạt động của Ban Liên lạc và đối ngoại. Quỹ Hội gồm: Quỹ hoạt động thường xuyên (gọi tắt là Quỹ Hội) và Quỹ Khuyến học.
– Quỹ Hội được hình thành từ nguồn thu Hội phí và đóng góp tự nguyện (ủng hộ) của Hội viên hoặc các nguồn tài trợ khác.
– Quỹ Khuyến học được huy động từ một số nhà tài trợ là các Hội viên và các nhà tài trợ khác, có cơ chế sử dụng riêng cho mục đích khuyến tài, khuyến học được quản lý theo quy định riêng của Quỹ.
– Hội viên ủng hộ Quỹ Hội và Quỹ Khuyến học có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào và dưới mọi hình thức (tiền, vocher, sản phẩm sử dụng cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, v.v). Nếu ủng hộ bằng tiền có thể đóng trực tiếp hoặc chuyển khoản.
- c) Tài khoản của Quỹ Hội: là tài khoản đồng sở hữu do Trưởng ban liên lạc, Thủ quỹ và một Thành viên khác do Ban liên lạc cử ra. Các chủ tài khoản này sau khi không tham gia Ban Liên lạc thì phải bàn giao lại cho Ban Liên lạc cử người thay thế. Số tài khoản của Quỹ Hội là 0338201184 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB).
- Quản lý, sử dụng Quỹ
- a) Quản lý Quỹ
– Ban liên lạc có trách nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ Hội đúng mục đích, tiết kiệm, có cơ chế chi tiêu hợp lý, công khai, minh bạch; Ban Thư ký, Kế toán và Thủ quỹ có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính Quỹ hàng năm được Trưởng Ban Liên lạc phê duyệt và báo cáo tại Đại Hội toàn thể hội viên;
– Mọi chi tiêu thuộc phạm vi của Quỹ phải được Trưởng Ban Liên lạc chấp thuận và phản ảnh đầy đủ trong sổ sách, chứng từ.
– Hội sẽ ghi nhận, biểu dương và công khai trên hệ thống thông tin của Hội các hội viên, các nhà hảo tâm đã đóng góp, tài trợ cho các quỹ của Hội.
- b) Chế độ thu chi Quỹ Hội:
– Thu Hội phí: Hiện tại thu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) / hội viên-năm (mức thu hội phí có thể được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế hàng năm);
Ngoài Hội phí, hội viên có thể ủng hộ Quỹ Hội với mức không hạn chế tùy theo khả năng và nguyện vọng của từng hội viên, nhà tài trợ.
– Chi thường xuyên:
+ Mừng thọ các hội viên có độ tuổi 80, 85, 90 và trên 90 tuổi; mức chi 200.000 đồng/người/lần;
+ Chi việc hiếu: Hội viên qua đời, phúng viếng mức chi 500.000 đồng/người; tứ thân phụ mẫu, vợ/chồng của hội viên qua đời, phúng viếng mức chi 300.000 đồng/người;
+ Chi hỗ trợ cho hội viên, gia đình hội viên không may gặp hoạn nạn, rủi ro, mức chi 500.000 đồng/người/lần;
+ Chi đối ngoaị: Chúc mừng các sự kiện lớn do địa phương, Hội Đồng hương tỉnh Phú Thọ, các hội Đồng hương huyện bạn tổ chức; mức chi không quá 1.000.000đ/sự kiện.
- Chế độ thu, chi Quỹ Khuyến học:
- Thu: Hội viên, các nhà tài trợ ủng hộ tùy theo khả năng có thể;
- Chi khuyến học, khuyến tài:
+ Phối hợp với địa phương trong hoạt động khuyến học hàng năm, đối tượng khen thưởng do địa phương quy định, mức hỗ trợ do Ban quản lý Quỹ khuyến học xem xét quyết định;
+ Tặng thưởng cho học sinh là con em của Hội viên đang theo học tại các trường THCS, THPT và đang học tại các trường đại học có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học được nhà trường công nhận.
Tiêu chí xét khen thưởng và mức tiền thưởng trong các trường hợp trên: căn cứ vào quỹ của Hội, Ban Liên lạc sẽ đề ra mức khen thưởng cụ thể hàng năm.
Điều 6. Điều khoản thi hành
- Hiệu lực
Quy ước này có hiệu lực ngay sau khi được Hội nghị toàn thể nhất trí thông qua tại cuộc Gặp mặt Đầu năm 2024 của Hội ngày 07/4/2024.
- Sửa đổi
Ban Liên lạc đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quy ước cho phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm trình Hội toàn thể xem xét quyết định.
- Thi hành
Hội viên, Ban Liên lạc của Hội có trách nhiệm thực hiện các điều khoản trong Quy ước; Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì thấy cần góp ý, đề nghị sửa đổi bổ sung Hội viên liên hệ với Thường trực Ban Liên lạc để xem xét và xin ý kiến Hội viên (qua hệ thống thông tin của Hội).
Quy ước này đã được Hội nghị toàn thể Hội Đồng hương Cẩm Khê tại Hà Nội nhất trí thông qua ngày 07/4/2024 ./.
MỤC III
LỊCH SỬ HUYỆN CẨM KHÊ
Cẩm Khê là một huyện trung du, miền núi nằm ở trung tâm tỉnh Phú Thọ
Vị trí địa lý
Huyện Cẩm Khê nằm ở phía hữu ngạn sông Thao. Cách thủ đô Hà Nội 80 km và thành phố Việt Trì 40 km về phía Đông Nam.
Phía Đông tiếp giáp huyện Thanh Ba; phía Tây tiếp giáp huyện Yên Lập; phía Nam tiếp giáp huyện Tam Nông; phía Bắc tiếp giáp với huyện Hạ Hòa.
Huyện có 24 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn (Cẩm Khê) và 23 xã: Cấp Dẫn, Chương Xá, Điêu Lương, Đồng Lương, Hùng Việt, Hương Lung, Minh Tân, Ngô Xá, Phú Khê, Phú Lạc, Phượng Vĩ, Sơn Tình, Tạ Xá, Tam Sơn, Thụy Liễu, Tiên Lương, Tùng Khê, Tuy Lộc, Văn Bán, Văn Khúc, Xương Thịnh, Yên Dưỡng, Yên Tập.
Dân số huyện Cẩm Khê đến năm 2019 là: 139.424 ngườii; tổng diện tích tự nhiên là 234.55 km².
Lịch sử
Xa xưa là huyện Ma Khê. Ma Khê là tên ông tổ bộ tộc người Tày, họ Ma. Thời đó, bộ tộc này định cư dọc bờ hữu ngạn Nậm Tao (sau gọi là sông Thao – một đoạn sông Hồng). Ma Khê được vua Hùng phong làm Lương tướng. Sắc phong “Phụ chính đại thần, đại tướng quân Ma Khê”. Chính vì vậy mà vùng đất này mang tên của ông (về sau ông chuyển cả bộ tộc của mình sang tả ngạn sông Thao thuộc thị xã Phú Thọ và huyện Lâm Thao ngày nay).
Thời loạn 12 sứ quân, địa bàn huyện Cẩm Khê là nơi chiếm đóng của sứ quân Kiều Thuận. Kiều Thuận đã gây dựng và cai quản trong hơn 20 năm tới khi nổi dậy xưng quân vương và bị lực lượng Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh thu phục vào năm 968 và lập ra nhà nước Đại Cồ Việt.
Đến thời nhà Lê sơ huyện Ma Khê được đổi tên là huyện Hoa Khê, thuộc phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây. Năm 1831, nhà Nguyễn đổi tên trấn Sơn Tây thành tỉnh Sơn Tây. Năm 1841, vì kỵ huý, nhà Nguyễn đổi tên huyện Hoa Khê thành huyện Cẩm Khê (vẫn thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây). Tên Cẩm Khê được dùng từ đó cho đến ngày nay.
Ngày 8 tháng 9 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách phủ Lâm Thao (chỉ gồm 3 huyện Thanh Ba, Sơn vi và Phù Ninh) của tỉnh Sơn Tây để thành lập tỉnh Hưng Hoá mới. Ngày 9 tháng 9 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách huyện Cẩm Khê khỏi phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây để nhập vào Tiểu quân khu Yên Bái, thuộc Đạo Quan binh 3. Ngày 9 tháng 12 năm 1892 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển huyện Cẩm Khê nằm trong địa bàn tiểu quân khu Yên Bái về tỉnh Hưng Hoá mới. Năm 1903, tỉnh lỵ tỉnh Hưng Hoá chuyển lên làng Phú Thọ và tỉnh đổi tên thành tỉnh Phú Thọ, do đó huyện Cẩm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ.
Sau năm 1975, huyện Cẩm Khê có 31 xã: Cấp Dẫn, Cát Trù, Chương Xá, Điêu Lương, Đồng Cam, Đồng Lương, Đông Phú, Hiền Đa, Hương Lung, Ngô Xá, Phú Khê, Phú Lạc, Phùng Xá, Phượng Vĩ, Phương Xá, Sai Nga, Sơn Nga, Sơn Tình, Tạ Xá, Tam Sơn, Thanh Nga, Thụy Liễu, Tiên Lương, Tình Cương, Tùng Khê, Tuy Lộc, Văn Bán, Văn Khúc, Xương Thịnh, Yên Dưỡng, Yên Tập.
Theo Quyết định số 178-CP ngày 5-7-1977 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, huyện Cẩm Khê sáp nhập với huyện Yên Lập và 10 xã của huyện Hạ Hoà ở phần hữu ngạn sông Thao thành huyện Sông Thao.
Ngày 22 tháng 12 năm 1980, huyện Sông Thao được tách thành 2 huyện Yên Lập và Sông Thao. Ngày 7 tháng 10 năm 1995, Chính phủ cắt chuyển 10 xã của huyện Sông Thao (10 xã cũ của huyện Hạ Hoà) về huyện Hạ Hoà, vừa được tách ra từ huyện Thanh Hòa trong cùng nghị định.
Địa bàn huyện Sông Thao lúc này trùng với địa bàn huyện Cẩm Khê trước đây.
Ngày 11 tháng 1 năm 1996, chuyển xã Đông Phú thành thị trấn Sông Thao – thị trấn huyện lị huyện Sông Thao. Ngày 8 tháng 4 năm 2002, huyện Sông Thao được đổi lại tên cũ là Cẩm Khê.
Huyện Cẩm Khê và 6 xã Đồng Lương, Điêu Lương, Tình Cương, Phú Lạc, Sơn Nga, Tiên Lương đã được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Kinh tế
Cẩm Khê là địa phương nằm dọc theo bờ hữu ngạn sông Thao (sông Hồng), trải dài trên 30 km, bề ngang hơn 10 km. Đây là vùng bán sơn, địa; vừa có đồi, gò và vừa có đồng bằng. Phía Tây huyện có dãy núi thấp thuộc nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn, gần như song song với sông Hồng, độ cao trên 300m, có đỉnh tới trên 500m, là ranh giới tự nhiên giữa 2 huyện Cẩm Khê và Yên Lập. Sườn Đông Bắc của dãy núi này thuộc huyện Cẩm Khê. Núi Cẩm Khê nhiều gỗ, giang, nứa…
Hình thái
Đồi, gò Cẩm Khê có đỉnh bằng, tròn, sườn thoải, độ cao tuyệt đối dưới 40 m, độ cao tương đối dưới 20m, cá biệt có đỉnh cao tới trên 100m (gò Chò cao 118m). Trên đồi trồng nhiều cọ. Ở đây cọ mọc thành rừng. Cẩm Khê từng là xứ sở của cây cọ ở Việt Nam. Trước đây, lá cọ là nguồn thu nhập đáng kể. Ngày nay, rừng cọ vẫn còn, nhưng trong rừng cọ, Nhà nước đã đầu tư để nhân dân trồng xen các loại cây lấy gỗ lâu năm như bạch đàn, keo tai tượng…Một hệ sinh thái mới đang hình thành với nhiều triển vọng. Nông lâm sản chính là lúa, ngô, sắn, chè, cọ…
Về thủ công nghiệp, phải kể đến nghề làm nón Sai Nga, Sơn Nga, Thanh Nga với những sản phẩm nón trắng bền, đẹp, rẻ. Ngoài ra, Cẩm Khê còn nổi tiếng bởi nghề ươm tơ, thêu ren, mây, giang đan, nghề trồng nấm, làm mộc nhĩ,… góp phần làm tăng thu nhập và thu hút lực lượng lao động nhàn rỗi trong huyện. Ở Cẩm Khê hiện nay đang phát triển nghề làm gạch, trong huyện hiện nay có nhiều nhà máy gạch tuynel sản phẩm chất lượng cao.
+ Cụm công nghiệp thị trấn sông thao : với diện tích 100h nằm phía đông của thị trấn sông thao , gần quốc lộ 32c , đã được đầu tư hệ thống điện , nước , cây xăng . mặt đường được thảm nhựa thuận tiện cho sản xuất . Hiện tai đã có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh : CTy TNHH YI DA Việt Nam , Hoàng Bảo , Quyết Thắng , Hưởng Toàn Lộc …….
+ Khu Công Nghiêp Cẩm Khê : có tổng diện tích quy hoạch 450ha, cách trung tâm huyện Cẩm Khê 3 km, nằm trên địa bàn 4 xã: Sai Nga, Thanh Nga, Sơn Nga, Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; Có tuyến đường giao thông kết nối khu công nghiệp với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC , quốc Lộ 32C , 70B
Giao thông
Với tuyến đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đường cao tốc dài nhất Việt Nam) và Quốc lộ 32C chạy dọc theo suốt chiều dài của huyện, Quốc lộ 70B chạy qua địa bàn huyện . Ngoài ra các tuyến Đường tỉnh, huyện lộ trong huyện đã được thảm nhựa kết nối dễ dàng với các địa phương trong vùng. Đường liên thôn, liên xã đang ngày càng được bê tông hóa.
Đường sắt: Gần ga đường sắt Phú Thọ (TX Phú Thọ) và ga đường sắt Chí Chủ (huyện Thanh Ba). Đường thủy: quãng đường vận chuyển ra sông Hồng ngắn, có lợi thế về vận chuyển đường thủy. Đường hàng không: cách sân bay quốc tế Nội Bài 80 km.
Đường thủy : có bến phà Tình cương ( Tỉnh lộ 313 ) bến đò Chí Chủ.
Danh nhân
- Nhà thơ Bút Tre (1911–1987)
- Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (1951-2010)
- Trạng nguyên Vũ Duệ (?-1520)
- Tướng quân Kiều Thuận thời 12 sứ quân
Về tên gọi Cấm Khê
Cuốn Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), tác giả: Dương Kinh Quốc (Viện sử học, đã mất), Nhà xuất bản Giáo dục, 2001, là cuốn sách duy nhất dùng tên gọi Cấm Khê để chỉ huyện Cẩm Khê ở tỉnh Phú Thọ trong các văn bản thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 (tại 6 thời điểm và trong phần tra cứu cuối sách, trong khi không có tên Cẩm Khê).
Tuy nhiên, nhiều tư liệu nhắc đến Cấm Khê là căn cứ kháng chiến cuối cùng của Hai Bà Trưng và có vẻ như không trùng với Cẩm Khê. Các tác giả bộ Cương Mục cho rằng: “Cấm Khê ở về địa hạt Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây” (Tiền biên – quyển 2) (Vĩnh Tường nay là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Học giả Đào Duy Anh lại đoán định Cấm Khê là xã Cẩm Khê (hay còn gọi là Cẩm Viên) ở huyện Yên Lạc cũng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (Cổ đại Việt Nam – Tập IV – trang 65). Henri Maspero trong L’expédition de Ma Yuan – BEFEO XVIII – cho rằng Cấm Khê là Cẩm Khê và coi đó là huyện Cẩm Khê, tỉnh Yên Bái (có thời kỳ -15 tháng – Cẩm Khê thuộc Yên Bái). Nhưng cũng chính ông đã tìm ra cái tên huyện Cẩm Khê mới chỉ có từ năm 1841, trước đó là huyện Hoa Khê. Cho nên ông không nghiên cứu tiếp vấn đề Cấm Khê nữa, coi như chưa biết ở đâu.