SKĐS – Bên cạnh điều trị bằng các phương pháp nội khoa của y học hiện đại như thuốc giảm đau, giãn cơ, vật lý trị liệu, việc áp dụng các bài tập xoa bóp, bấm huyệt của Y học cổ truyền cũng mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau và thư giãn cơ bắp.
Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt trong giảm đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy là một vấn đề phổ biến trong cộng đồng, ảnh hưởng đến cả nam và nữ, đặc biệt là những người làm việc văn phòng và có thói quen ngồi nhiều. Tình trạng này thường xảy ra do các nguyên nhân như tư thế ngồi sai, căng thẳng, ít vận động, hoặc chấn thương.
Triệu chứng bao gồm đau nhức vùng cổ, vai và đôi khi lan xuống cánh tay, gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày. Đau cổ vai gáy không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tâm trạng của người bệnh.
Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp điều trị đơn giản, an toàn lành tính và mang lại hiệu quả cao trong điều trị đau cổ vai gáy. Phương pháp này giúp kích thích lưu thông máu, từ đó cung cấp oxy và dưỡng chất cho các mô cơ, giảm tình trạng căng thẳng và co thắt cơ.
Khi áp dụng xoa bóp, các cơ bị đau nhức sẽ được thư giãn, giúp giảm đau ngay lập tức. Bấm huyệt tác động lên các điểm huyệt quan trọng, kích thích hệ thần kinh và giải phóng endorphins – hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Việc thực hiện các bài tập này thường xuyên không chỉ mang lại hiệu quả điều trị mà còn góp phần phòng ngừa tái phát triệu chứng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Cách thực hiện xoa bóp, bấm huyệt giúp giảm đau cổ vai gáy
Các thủ thuật có thể lựa chọn để thực hiện xoa bóp vùng cổ vai gáy gồm: Xoa, xát, miết, day, bóp, ấn. Thực hiện theo trình tự sau:
– Chuẩn bị tư thế người bệnh: Ngồi.
– Lần lượt thực hiện các thao tác:
+ Xoa vùng cổ gáy: Dùng toàn bộ lòng bàn tay xoa tròn trên da vùng cổ gáy với một lực nhẹ nhàng.
+ Xát vùng cổ gáy: Dùng gốc bàn tay, xát trên da vùng cổ gáy theo một đường thẳng.
+ Miết vùng cổ gáy: Dùng vân ngón cái miết chặt vào da vùng cổ gáy theo chiều từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trái sang phải và ngược lại.
+ Day vùng cổ gáy: Nếu đau một bên dùng một tay (gốc bàn tay) day bên đau, nếu cả hai bên đau, dùng cả hai tay cùng day. Động tác nhẹ nhàng.
+ Bóp vùng cổ gáy: Dùng ngón cái và các ngón kia bóp trực tiếp vào vùng cơ thang dọc từ hai bên cổ gáy trải dài xuống vùng vai hai bên.
+ Ấn: Dùng ngón tay cái hoặc gốc bàn tay ấn vào các huyệt: Phong phủ, phế du, phong trì, kiên tỉnh, đại chùy, cự cốt.
Cách xác định vị trí các huyệt:
+ Phong phủ: Chỗ lõm giữa bờ xương chẩm và đốt cổ 1.
+ Phế du: Bờ dưới mỏm gai đốt sống ngực số 3, đo ra 1,5 thốn.
+ Phong trì: Chỗ lõm giữa bờ trong của cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang, ngay sát đáy sau của hộp sọ.
+ Kiên tỉnh: Điểm giữa đường nối gai đốt sống cổ 7 và huyệt kiên ngung.
+ Đại chùy: Ngay dưới gai đốt sống cổ 7.
+ Cự cốt: Chỗ lõm của khe hai xương chéo nhau, từ đầu vai đi vào.
Những lưu ý khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt giúp giảm đau cổ vai gáy
– Nên thực hiện xoa bóp trong thời gian thư giãn, có thể là vào buổi tối sau khi làm việc hoặc khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Tránh thực hiện ngay sau khi ăn no hoặc khi cơ thể đang mệt mỏi quá mức.
– Trong quá trình xoa bóp, hãy duy trì áp lực nhẹ nhàng và vừa phải. Tránh ấn quá mạnh có thể gây đau hoặc tổn thương cơ bắp và mô mềm.
– Bắt đầu bằng những động tác nhẹ nhàng để làm ấm cơ bắp trước khi tăng cường lực. Điều này giúp cơ bắp thư giãn và thích nghi dần.
– Mỗi huyệt hoặc vùng cơ nên được xoa bóp trong khoảng 1-3 phút. Tổng thời gian mỗi lần xoa bóp cho cả vùng nên từ 15-20 phút. Thời gian quá dài có thể gây mệt mỏi cho cả người xoa bóp và người được xoa bóp.
– Có thể sử dụng một ít dầu xoa bóp hoặc kem thảo dược để giúp tay trượt dễ dàng trên da, đồng thời gia tăng hiệu quả của liệu pháp.
– Nên thực hiện liệu pháp xoa bóp bấm huyệt một cách thường xuyên, từ 2-3 lần mỗi tuần.