Huyết áp là chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe. Chỉ số này dao động trong suốt cả ngày nhưng cần đo đúng thời điểm để có kết quả chính xác.
Huyết áp dao động tự nhiên trong một ngày 24 giờ. Thông thường, huyết áp tương đối cao vào ban ngày, đặc biệt đạt đỉnh lúc 6 – 10 giờ sáng. Huyết áp có thể hơi cao vào buổi chiều và giảm dần vào ban đêm, đạt mức tối thiểu lúc 2 – 3 giờ sáng.
Trong nhiều năm, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đo huyết áp vào ban đêm là một trong những yếu tố dự báo tốt nhất về bệnh tim mạch. Song, để đo huyết áp cho bệnh nhân vào ban đêm quả là điều khó khăn bởi khi cánh tay bị nén liên tục do đo huyết áp, giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, để có được kết quả chính xác nên đo huyết áp vào buổi sáng (6 đến 10 giờ). Tốt nhất là nên đo trước khi bước ra khỏi giường và nên thực hiện vào cùng 1 thời điểm trong ngày. Tại thời điểm này, huyết áp chưa bị ảnh hưởng bởi các hoạt động hàng ngày và việc ăn uống, có thể phản ánh chính xác tình trạng huyết áp vào ban đêm.
Ngoài ra, để theo dõi huyết áp tốt nhất, có thể đo thêm vào 2 thời điểm trong ngày là buổi chiều và thời điểm trước khi đi ngủ.
Theo đó, thời gian đo huyết áp buổi chiều tốt nhất vào khoảng 16 – 20 giờ. Đối với những bệnh nhân có huyết áp tăng một phần vào buổi chiều hoặc buổi tối, phép đo này có thể cung cấp thông tin có giá trị.
Trong khi đó, huyết áp trước khi đi ngủ thường được đo lúc 20 – 22 giờ. Đây là số liệu hữu ích để so sánh với dữ liệu huyết áp ban ngày và quan sát xem bệnh nhân có bị huyết áp giảm ngược hay không (tức là huyết áp không giảm nhưng tăng vào ban đêm).
Bên cạnh đó, khi bị đau đầu, chóng mặt người bệnh cũng nên tiến hành đo huyết áp đúng cách để biết nguyên nhân thực sự có liên quan đến huyết áp hay không.
Để kết quả đo huyết áp được chính xác, người đo nên nghỉ ngơi yên tĩnh trong khoảng 5 phút trước khi đo huyết áp, tránh tập thể dục gắng sức, giữ nước tiểu và không ăn quá nhiều chất kích thích, chẳng hạn như cà phê, trà hoặc rượu vang…
Đo huyết áp khi nằm hay ngồi chính xác hơn?
Nhà nghiên cứu TS. Stephen Juraschek – Bác sĩ nội khoa tổng quát tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston đồng thời giảng dạy tại Trường Y Harvard cho biết, để mọi người nằm ngửa khi đo huyết áp có thể giúp xác định những người cần điều trị. Trong khi đó, việc đọc kết quả đo huyết áp chính xác ở tư thế ngồi có thể phức tạp.
Theo định nghĩa của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) và Hội Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology), huyết áp bình thường ở người lớn đo ở tư thế ngồi là chỉ số tâm thu dưới 120 mmHg và chỉ số tâm trương dưới 80 mmHg.
Mặt khác, nghiên cứu của TS. Stephen Juraschek và các nhà khoa học với hơn 11.000 người có độ tuổi trung bình 54 tuổi, những người chỉ bị huyết áp cao khi nằm ngửa có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 53%, nguy cơ suy tim cao hơn 51%, nguy cơ đột quỵ cao hơn 62% và nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 34% – so với những người có huyết áp bình thường cả khi ngồi và nằm, theo American Heart Association.
Những phát hiện này ngụ ý rằng việc kiểm tra huyết áp ở tư thế nằm ngửa có thể phát hiện tình trạng tăng huyết áp dễ bị bỏ qua nếu chỉ đo khi ngồi.
Theo GS. TS. Marc Siegel – Trung tâm Y tế NYU Langone (Mỹ), khi ngồi hoặc đứng, trọng lực có thể làm giảm huyết áp, dẫn đến kết quả đo không chính xác.
“Nằm xuống phù hợp hơn với huyết áp thực tế của bạn, giúp dự đoán nguy cơ đau tim và đột quỵ, cả hai đều cao hơn khi huyết áp cao”, GS. TS. Marc Siegel nhấn mạnh.