Với nỗi lo thực phẩm bẩn, một số người đã chuyển sang ăn chay trường để thỏa mãn sở thích và tránh bệnh tật. Song ít ai biết việc ăn chay trường cũng không tốt cho sức khỏe.
Cơ thể mệt mỏi
Gần 12 giờ trưa, quán Mộc chay nhộn nhịp khách đến thưởng thức. Chị Nguyễn Thị Hương ở khu dân cư số 5, phường Tân Bình (cùng TP Hải Dương) cho biết, chị thích đồ chay nên thỉnh thoảng đến đây ăn cho thỏa cơn thèm. Trước đây có thời gian chị chuyển từ ăn mặn sang ăn chay trường nhưng sau khi ăn thấy bụng hay bị đau, người khó chịu. Chị nghĩ thức ăn chưa phù hợp, cơ thể chưa thích nghi với việc thiếu hụt dinh dưỡng từ thịt cá nên đã điều chỉnh, thay đổi món ăn chay cho đa dạng, phong phú. Thế nhưng, tình trạng này không thay đổi nên chị đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ cho biết, một số loại rau củ có chứa glutel (một loại protein) khiến những người bị bệnh dạ dày khó hấp thu được dinh dưỡng và đau bụng do lượng chất xơ ăn quá nhiều mà cơ thể không tiêu hóa kịp.
Với một số người, khi chuyển từ ăn mặn sang ăn chay sẽ khiến cơ thể thiếu hụt lượng dinh dưỡng đáng kể. Chị Lưu Hà ở khu chung cư Bạch Đằng (TP Hải Dương) cho biết khi mới ăn chay chị thấy nhanh đói, phải ăn làm nhiều bữa, vừa bất tiện, lại mất nhiều thời gian. Sau một thời gian thì cơ thể mệt mỏi, cảm thấy như thiếu máu lên não, ngại vận động hoặc vận động không được nhanh nhẹn, linh hoạt. Chị Hà đã thay đổi cách ăn uống cho hợp lý, khoa học hơn. “Thay vì ăn chay trường, tôi chuyển sang ăn chay gián đoạn. 1 tháng ăn chay khoảng 1 tuần và thêm mùng 1, ngày rằm. Từ đó tôi thấy cơ thể khỏe mạnh, không còn mệt mỏi, hụt hơi như trước nữa”, chị Hà nói.
Không nên ăn chay trường
Đó là khuyến cáo của chị Lê Thị Xuê, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương). “Ăn chay trong thời gian ngắn sẽ giúp cơ thể giảm cân, giảm mỡ máu, giảm béo phì, góp phần thanh lọc cơ chể. Song nếu ăn lâu dài, nhất là ăn chay trường rất nguy hiểm vì khiến cơ thể thiếu nhiều chất dinh dưỡng. Đã có trường hợp đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do đột quỵ hoặc các bệnh mạn tính về tim mạch, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa… từ ăn chay trường gây ra”, chị Xuê nói.
Theo chị Xuê, ăn chay trường không tốt cho cơ thể, đặc biệt với trẻ em trong độ tuổi phát triển, phụ nữ mang thai, những người cần phục hồi sức khỏe sau ốm hay phẫu thuật. Mỗi loại thực phẩm cung cấp một loại dinh dưỡng khác nhau, dinh dưỡng từ thực vật khác với dinh dưỡng từ động vật. Phải ăn kết hợp cả 2 loại này để bù trừ cho nhau. Ăn chay lâu ngày sẽ gây ra tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, protein, vitamin, khoáng chất… Trong thịt, mỡ động vật, cá có chứa các chất giúp não của trẻ phát triển hoặc tạo cơ, tạo máu… Thiếu hụt các chất này sẽ gây ra tình trạng cơ yếu, lỏng lẻo, chậm phát triển với trẻ em, chậm phục hồi với người bị bệnh, thiếu chất, thiếu máu đối với phụ nữ mang thai. Những người ăn chay trường, nếu ăn nhiều rau củ mà uống ít nước sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, gây ra táo bón…
Có trường hợp ăn chay nếu cơ thể không thích nghi sẽ lập tức có phản hồi để người ăn điều chỉnh được ngay, song có những trường hợp lại không có biểu hiện. Thiếu chất diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra những bệnh nguy hiểm, tốn nhiều thời gian, công sức chữa trị.
Theo khuyến cáo của chị Lê Thị Xuê, nên ăn chay theo phương pháp gián đoạn, có thể 1 tháng ăn chay 1 tuần, 10 ngày hoặc ăn chay vào ngày rằm, mùng 1. Trong bữa ăn nên ăn đa dạng, phong phú các loại thực phẩm, từ rau củ quả, các loại hạt, gạo, ngũ cốc… Có như vậy mới bảo đảm sức khỏe và ăn chay mới được lâu dài.