Hậu quả nặng nề vì chần chừ khám bệnh

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp đã phát hiện bệnh nhưng lại chần chừ, trì hoãn tới bệnh viện thăm khám khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí là không còn hy vọng điều trị.

bai-chinh.jpg
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do gia đình trì hoãn khám bệnh. Ảnh: BV Nhi trung ương.

Tự kiểm tra thấy khối u vú bên phải, không đau, không sưng có tiến triển kích thước to dần cách đây 8 tháng, thế nhưng chỉ đến khi khối u này tiến triển rất nhanh, tình trạng ngày càng nặng nề thì chị T.T.H. (46 tuổi, Hà Nội) mới tới Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư vú thể viêm đa ổ, do bệnh nhân không được tiếp cận và điều trị ở ngay thời điểm phát hiện sớm nên khối u đã di căn.

Tương tự, ông Đ. (49 tuổi, Hà Nội) khi phát hiện ung thư giai đoạn sớm, bác sĩ đánh giá tiên lượng tốt, khả năng phục hồi sức khỏe khả quan, chỉ định phẫu thuật song gia đình từ chối do chần chờ trước quyết định mổ.

Bệnh nhân về nhà ăn chay và chữa bằng thuốc nam do thầy lang kê đơn. Theo người nhà, thầy lang khẳng định thuốc có tác dụng “tăng cường khí huyết, hấp thụ tốt hơn, tiêu diệt tế bào ung thư”. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi ông Đ. đi khám, tế bào ung thư xâm lấn lan rộng, ung thư di căn đến phổi, tiên lượng bệnh rất xấu.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người bệnh nhận hậu quả nặng nề chỉ vì chần chừ, trì hoãn điều trị bệnh. Dù cơ thể đã có những biểu hiện nghi vấn rõ ràng.

PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở thời điểm hiện tại, có khoảng 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là 70% trường hợp tới viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn.

Đáng lo hơn nữa khi không chỉ người lớn mà rất nhiều trẻ em cũng phải nhận hậu quả vì tâm lý chần chừ đưa con đi khám bệnh của gia đình.

TS.BS Lê Hồng Quang – Trưởng Khoa Hồi sức nội tim mạch (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, thực trạng trẻ bị ốm không đi khám kịp thời mà chỉ đến khi bệnh nặng, cần can thiệp hỗ trợ về hô hấp, hỗ trợ về tuần hoàn mới đến bệnh viện không hề ít. Nhiều gia đình chủ quan, không cho con đến bệnh viện khám khi con bị ốm mà để con ở nhà và tự chữa theo đơn thuốc cũ, hay kinh nghiệm từ bạn bè, mạng xã hội… Chỉ đến khi con bị nặng mới đến khám và điều trị.

Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi (3 tuổi, ở Thanh Hóa) bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch, do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

Qua khai thác bệnh sử, được biết trẻ có tiền sử mắc bệnh bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn, tuy nhiên thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa hay đưa con tới bệnh viện thăm khám thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống. Sau khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm hơn, thế nhưng, khoảng 1 tháng nay trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu…

Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị ngộ độc chì. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm định lượng chì trong máu, kết quả cho thấy bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng. Nồng độ chì trong máu trên 100 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất. Dù được điều trị tích cực, tuy nhiên, trẻ vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.

Người dân cần chủ động thăm khám/kiểm tra sức khỏe để không bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị bệnh nếu có. Đặc biệt những người mắc bệnh lý nền, điển hình như: Suy thận, tim mạch, bệnh người cao tuổi, ung thư… nhất thiết không nên lơ là việc thăm khám. Ngay cả những người bình thường đang cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, cũng nên tiến hành tầm soát sức khỏe định kỳ – bởi giúp phát hiện và kiểm soát dễ dàng các bệnh lý nền ngay từ giai đoạn khởi phát.