Vì sao ngủ nhiều lại đau đầu?

Đau nhức đầu, đặc biệt là những cơn đau đầu không rõ nguyên nhân ập đến sau khi vừa mới thức dậy, khiến nhiều người cảm thấy vô cùng khó chịu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc ngủ quá nhiều chính là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đau đầu.

Ngủ bao nhiêu là quá nhiều?

Thực tế, không có con số cụ thể nào về lượng giờ cần phải ngủ để có thể cảm thấy cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhu cầu về thời lượng ngủ của mỗi người có thể thay đổi đa dạng tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: tuổi tác, mức độ luyện tập thể dục, tình trạng sức khỏe hiện tại, trạng thái tinh thần trong suốt cả ngày,…

Nhìn chung, những yếu tố này có thể thay đổi đáng kể trong suốt cuộc đời. Chẳng hạn, khi đang trong trạng thái căng thẳng hoặc bị ốm, nhiều người có thể cảm thấy mình cần ngủ nhiều hơn bình thường.

nn2

Ảnh minh họa

Đối với những người trưởng thành từ 18 – 60 tuổi thường được các chuyên gia khuyến cáo rằng nên ngủ từ 7 – 9 tiếng vào mỗi đêm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhất định có thể cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn mức trung bình để cơ thể cảm thấy tốt nhất.

Vì sao nhiều người đau đầu do ngủ nhiều?

Rối loạn nhịp sinh học

Nguyên nhân tiềm ẩn gây đau đầu do sau một giấc ngủ quá dài là vì giấc ngủ bị gián đoạn và xáo trộn nhịp sinh học. Nếu bình thường một người chỉ ngủ 7 tiếng nhưng hôm đó bất ngờ lại ngủ 9 tiếng, đặc biệt là ở khung giờ khác ngày thường thì nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể sẽ bị xáo trộn. Hệ quả là dẫn đến đau đầu khi thức dậy.

Vì vậy, mọi người cần có thói quen ngủ đều đặn và tuân thủ theo nó, ngay cả vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health.

Ngoài ra, đau đầu do ngủ nhiều có thể là dấu hiệu hội chứng rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ có thể làm giảm lượng oxy lên não. Hệ quả là gây cảm giác đau đầu, choáng váng khi thức dậy.

Mất nước

Đau đầu do ngủ nhiều còn xuất phát từ việc cơ thể bị mất nước. Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta tiếp tục mất nước thông qua hơi thở và mồ hôi, nhất là vào mùa hè.

Nếu một người ngủ trong thời gian dài, cơ thể sẽ bị mất nước nhiều hơn, dẫn đến đau đầu khi thức dậy. Cơn đau đầu do mất nước có thể được cảm nhận trên khắp đầu, phía trước hoặc phía sau, không thể dự đoán và nhận biết chỗ nào là đau nhất. Để ngăn tình trạng này, mỗi người cần uống đủ nước trong cả ngày, cân nhắc uống một ly nước trước khi đi ngủ và ngay sau khi thức dậy.

nn3

Ảnh minh họa

Lo lắng

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, có mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng lo âu và chứng rối loạn đau đầu như chứng đau nửa đầu.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lo lắng và các rối loạn tâm trạng khác như trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ và ngủ quên.

Nhiều người bị chứng đau nửa đầu có xu hướng bị đau nửa đầu vào cuối tuần không chỉ do ngủ quên mà còn do mức độ căng thẳng giảm xuống.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ căng thẳng giảm có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu trong 6, 12 hoặc 18 giờ tới.

Hiện tượng say ngủ

Việc ngủ quá nhiều có thể góp phần gây ra hiện tượng gọi là say ngủ. Hiện tượng này xảy ra khi một người đột ngột thức dậy sau một giấc ngủ sâu, khiến cơ thể mất phương hướng và đau đầu. Để ngăn chặn nhức đầu do say ngủ, mọi người nên thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn với thời gian thức dậy nhất quán.

nn1

Ảnh minh họa

Tăng nguy cơ viêm nhiễm

Ngủ quá nhiều có liên quan đến sự gia tăng viêm nhiễm trong cơ thể. Viêm có thể gây ra đau đầu vì nó ảnh hưởng đến các mạch máu và dây thần kinh trong não.

Hơn nữa, ngủ quá nhiều cũng phá vỡ sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như serotonin, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm giác đau. Sự mất cân bằng này có thể góp phần gây đau đầu.