SKĐS – Sự chuyển pha đột ngột giữa El Nino sang La Nina khiến thời tiết sẽ có nhiều biến động, nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.
Cuối tháng 5 sẽ nắng nóng đỉnh điểm
TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, ở các thành phố khu vực Đông Nam Á hầu hết đều hơn 40 độ C. Lào, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ đang là tâm điểm nóng của đợt này với nhiệt độ lên đến 43 độ C-44 độ C. Giai đoạn này áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh tạo một sóng nhiệt từ Ấn Độ dịch chuyển dần sang phía Đông. Chuyên gia nhận định, với xu hướng dịch chuyển này, khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6 sẽ nóng đỉnh điểm ở Việt Nam.
Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) dự báo El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-6 với xác suất 75-80%. Từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55-65%.
Với diễn biến như vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo do vẫn còn tác động của El Nino nên từ tháng 4-5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn. Từ tháng 6 – tháng 9 mức nhiệt cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mùa hè năm 2024 vì thế khả năng nhiều đợt nắng nóng hơn và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, khả năng El Nino kết thúc vào tháng 4-6, đến tháng 7-8 La Nina bắt đầu. Vì thế số đợt nắng nóng năm nay có thể nhiều hơn và mức độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Mỗi năm trung bình cả nước có 15 đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày từ 35 độ C trở lên.
Ở Tây Bắc Bộ, nắng nóng xuất hiện vào tháng 4-7, cao điểm rơi vào tháng 5-6; Đông Bắc Bộ tháng 5-8, cao điểm 6-7. Miền Trung có sự khác biệt về địa hình, khu vực Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế nắng nóng vào tháng 4-8, cao điểm tháng 6-7; Đà Nẵng – Khánh Hòa rơi vào tháng 5-8, cao điểm trong tháng 7. Nam Bộ nắng nóng từ tháng 2 và kéo dài đến tháng 5, cao điểm từ nay đến hết tháng 4.
Nắng nóng năm nay có 3 đặc điểm chính là nắng nóng đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn trung bình nhiều năm và cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có thể xuất hiện giá trị nhiệt cao lịch sử. Vì vậy, người dân cần chú ý theo dõi các bản tinh cảnh báo tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời. Đặc biệt sang tháng 5 – 6/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động. Ngoài ra, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên Biển Đông.
Diễn biến nắng nóng, bão lũ năm nay sẽ rất phức tạp
Theo chuyên gia, hiện tại, đợt không khí lạnh yếu di chuyển vào Việt Nam và làm dịu bớt cái nóng ở các tỉnh Đông Bắc, trung du, đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Không khí lạnh không thắng được áp thấp nóng phía Tây nên các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ vẫn duy trì nắng nóng. Sự xung đột ở các vùng giáp ranh giữa không khí nóng và lạnh cũng sẽ tạo ra các hình thái thời tiết cực đoan như dông lốc, sét, và mưa đá.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do nền nhiệt cả nước vẫn cao hơn trung bình năm từ 0,5-1,5 độ nên nắng nóng ở khu vực Bắc và Trung Bộ trong giai đoạn tới sẽ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra các điểm nắng nóng kỷ lục.
TS. Nguyễn Ngọc Huy cho biết, năm nay sẽ có sự chuyển pha liên tục của các hình thái thời tiết. El Nino sẽ kết thúc vào tháng 4 và chuyển sang ENSO (giai đoạn trung tính) trong khoảng các tháng 5, 6. Sau đó có sự chuyển pha đột ngột sang La Nina từ khoảng tháng 7 và kéo dài đến hết năm. Chính vì vậy, thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.
Số liệu cơ quan khí tượng quan trắc từ năm 1950 cho thấy hơn một nửa số chu kỳ El Nino sau khi kết thúc sẽ chuyển đổi sang trạng thái La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường), vì vậy điều này cũng là hoàn toàn bình thường trong năm 2024.
Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ, có tới 5 trong số 8 chu kỳ El Nino mạnh tương tự kể từ năm 1950, sau đó chuyển nhanh sang pha La Nina. Quá trình chuyển đổi từ El Nino sang La Nina cũng diễn ra nhanh chóng. Dự báo mới nhất từ tổ hợp các mô hình thống kê và động lực có nhận định tương đối thống nhất về quá trình chuyển đổi từ El Nino sang pha trung tính vào mùa Xuân năm 2024, tiếp sau đó là xu thế La Nina sẽ xuất hiện trong mùa Hè 2024.
Dù vậy, cơ quan dự báo khí tượng quốc gia vẫn cần theo dõi tiếp vì các mô hình dự báo vẫn còn có tính không chắc chắn trong dự báo, đặc biệt là dự báo xa, dài hạn.
Trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024, với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển như dự báo trên và bắt đầu tác động đến nước ta vào đúng thời kỳ mưa, bão tập trung ở Trung Bộ, khả năng bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm.
Thống kê cho thấy trong những năm La Nina xuất hiện thì lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ, thấp hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa Thu.
Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Trước sự gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý và người dân cần có kế hoạch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. Tăng cường cơ sở hạ tầng và sử dụng công nghệ trong ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của các tình huống khẩn cấp. Xây dựng hệ thống cấp nước và thoát nước bền vững để ứng phó với hạn hán và bảo đảm nguồn nước cho cộng đồng. Chủ động việc cung cấp nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống, đội ngũ chăm sóc y tế và các nguồn lực khẩn cấp khác cũng vô cùng quan trọng và thiết yếu.