Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp, đa số do polyp đại trực tràng gây nên. Ngày nay, việc khám sàng lọc phát hiện sớm và xử lý các polyp có nguy cơ ung thư hoá góp phần hạn chế gia tăng tỷ lệ bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Dưới đây là những điều cần biết khi khám sàng lọc ung thư đại trực tràng
1. Ai cần khám sàng lọc ung thư đại trực tràng?
Ai cũng có thể khám sàng lọc ung thư đại trực tràng tuy nhiên nếu không có điều kiện thì các đối tượng có nguy cơ cao cần lưu ý. Trong đó người có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao là đối tượng từ 50 tuổi trở nên, đặc biệt nhóm người trên 70 tuổi cần khám sàng lọc ung thư đại trực tràng.
Những người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng. Đối với đối tượng này cần nội soi đại tràng toàn bộ.
Những người khác khi có triệu chứng: gầy sút nhanh, đau bụng, đầy tức bụng, đại tiện nát lỏng, phân có máu… có thể tiến hành xét nghiệm FIT (Fecal immunochemical test), nếu FIT dương tính sẽ tiến hành nội soi đại tràng toàn bộ để tầm soát ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia; Người có bệnh lý về đại trực tràng như: viêm ruột mạn tính, viêm loét đại tràng, viêm loét tá tràng, bệnh crohn; Người tăng cân béo phì, ít vận động; chế độ ăn uống thiếu chất xơ, rau xanh và trái cây; lạm dụng chất béo, muối và các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ngâm chua, xông khói… cũng cần lưu ý khám tầm soát ung thư đại trực tràng.
2. Các xét nghiệm cần làm khi tầm soát ung thư đại trực tràng
Hiện có nhiều phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng, mỗi loại có ưu điểm riêng, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà bác sĩ chỉ định, bệnh nhân có thể lựa chọn.
Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng. Bệnh nhân cần nhịn ăn uống trước khi nội soi và súc ruột sạch sẽ. Nội soi đại tràng có thể phát hiện tất cả những tổn thương trong đại tràng: Polyps nhỏ và polyps lớn, ung thư sớm, viêm, loét… Có thể cắt bỏ những tổn thương trong khả năng cho phép.
Chụp CT đại tràng. Là phương pháp không xâm lấn giúp bác sĩ có thể phát hiện các khối u hoặc polyp lớn trong lòng đại tràng. Ngoài ra có thể phát hiện được những tổn thương khác trong ổ bụng.
Xét nghiệm phân: Ung thư đại tràng thường giải phóng số lượng máu nhỏ và DNA bất thường trong phân. Xét nghiệm phân có thể phát hiện máu và DNA bất thường.
Xét nghiệm máu ẩn trong phân: Người bệnh tự lấy 2 mẫu phân từ 3 lần đi vệ sinh liên tục, mẫu phân được lấy tại nhà. Người bệnh nên tránh việc sử dụng các loại thuốc kích thích đến ruột, như là aspirin và thuốc chống viêm sterod, trước khi lấy phân. Xét nghiệm này nên thực hiện hàng năm.
3. Nội soi đại trực tràng khi nào cần thực hiện?
Thông thường khi tầm soát ung thư đại trực tràng sau lần soi đầu tiên bệnh nhân sẽ được đánh giá các yếu tố nguy cơ.
Thời gian nội soi lại có thể ngắn hơn nếu chất lượng của cuộc nội soi trước kém hoặc dấu hiệu nguy cơ cao hoặc một số đặc điểm của lần nội soi trước: cắt polyp không hoàn toàn, tình trạng bệnh nhân, tiền sử bệnh tật. Nội soi 10 năm 1 lần và test tìm máu trong phân (FOBT- fecal occult blood test) ít nhất mỗi 2 năm. Nội soi tiếp trong vòng 1 năm nếu bệnh nhân có ít nhất 5 u tuyến.
Theo khuyến cáo những bệnh nhân soi lại sau 5 năm nếu như soi lần 1 không có polyp và nguy cơ thấp. Soi lại đại tràng 3 năm với đối tượng nguy cơ cao, trừ những trường hợp lưu ý nêu trên.
Đối với người mắc ung thư đại trực tràng đã phẫu thuật
- Người trước khi phẫu thuật chưa soi hết đại tràng, ví dụ: mổ do tắc nghẽn thì nên soi lại đại tràng sau 3-6 tháng.
- Nếu người đã soi đại tràng, toàn bộ đại tràng trước phẫu thuật, cần nội soi lại sau 1 năm: nếu kết quả bình thường nên nội soi lại sau 3 năm nữa. Nếu kết quả nội soi lần 2 bình thường thì nên nội soi lại 5 năm/lần. Nếu phát hiện ra adenoma, nội soi lại định lỳ hằng năm.
- Xét nghiệm định kỳ CEA định kỳ 3-6 tháng/lần trong 2 năm, sau đó mỗi 6 tháng cho tới 5 năm. Chụp CT ngực, bụng và tiêu khung hàng năm trong vòng 5 năm.
Những đối tượng đặc biệt cần tầm soát ung thư đại trực tràng theo chỉ định hoặc theo gợi ý sau:
- Người có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng và polyp đại trực tràng cần nội soi đại tràng tầm soát khi 40 tuổi. Nội soi đại tràng 5 năm 1 lần.
- Người mắc hội chứng đa polyp tuyến gia đình (FAP) cần nội soi đại tràng 1-2 năm/lần bắt đầu từ năm 10 tuổi và liên tục ở những người mang gen đột biến. Cần tầm soát soi dạ dày khi polyp đại tràng xuất hiện hoặc khi 25-30 tuổi.
- Người mắc hội chứng Lynch (Ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền) nên nội soi đại trực tràng 1-2 năm/lần, năm 20-25 tuổi. Nội soi dạ dày từ 30 tuổi nhắc lại 2-3 năm/lần.
- Người mắc bệnh ruột viêm (gồm viêm loét đại trực tràng chảy máu và Crohn) nên nội soi đại tràng với sinh thiết phát hiện loạn sản mỗi 1-2 năm, bắt đầu từ 8-10 năm sau khi khởi phát; Sinh thiết chỗ hẹp hoặc khối u; Cắt polyp nếu có.
4. Lưu ý trước khi đi khám tầm soát ung thư đại trực tràng
- Nhịn ăn trước 8 đến 12 tiếng để thực hiện các xét nghiệm và nội soi.
- Không uống các loại nước uống như cà phê, trà, sữa, nước ngọt và nước trái cây, chỉ nên uống một ít nước lọc trước khi đến khám.
- Nên tránh ăn những thức ăn có nhiều chất xơ như rau xanh trong vài ngày. Có thể ăn thức ăn nhẹ vào buổi tối hôm trước như cháo, soup. Trong trường hợp phải làm nội soi sau 12 giờ trưa có thể uống dịch lỏng 6 giờ trước khi tiến hành nội soi như: nước lọc, nước ép táo,…
- Không nên hút thuốc và uống bia rượu trong vòng 24 tiếng trước khi đến khám.
- Đối với phụ nữ, chỉ nên tầm soát ung thư sau chu kỳ kinh nguyệt 5-7 ngày. Cần thông báo cho bác sĩ trong trường hợp có thai hoặc nghi ngờ có thai.