Điện và nước khi tiếp xúc sẽ gây nhiều nguy hiểm nhưng rất nhiều chủ xe điện lại đang chia sẻ và áp dụng mẹo quấn khăn ướt vào tay nắm sạc nhanh để tăng tốc độ sạc pin.
Bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng của xe ô tô điện trong vài năm trở lại đây nhưng nhiều khách hàng vẫn nghi ngờ và lưỡng lự trong việc lựa chọn xe điện, chủ yếu vẫn là vấn đề về pin và thời gian sạc.
Trên thực tế, thời gian sạc pin xe điện (EV) phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có nhiệt độ. Đây cũng chính là vấn đề thường gặp đối với chủ xe điện.
Điều này là do pin EV được thiết kế để hoạt động tốt nhất trong phạm vi nhiệt độ tối ưu hẹp khoảng 20 độ C. Khi nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn đáng kể, pin có thể bị hỏng và dung lượng pin giảm.
Để ngăn chặn điều này, pin xe điện được trang bị hệ thống quản lý pin (BMS) để giám sát hoạt động và điều chỉnh quá trình sạc phù hợp để duy trì tuổi thọ của pin. Vì vậy, khi nhiệt độ vượt quá phạm vi tối ưu, BMS có thể giảm tốc độ sạc để đảm bảo không làm hỏng pin.
Thời gian sạc cũng có thể chậm hơn trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt vì một phần năng lượng có thể được sử dụng để làm ấm hoặc làm mát pin nhằm đưa pin về nhiệt độ tối ưu, khiến sạc kém hiệu quả hơn một chút so với nhiệt độ ôn hoà.
Tuy nhiên, chính cơ chế bảo vệ pin này khiến nhiều chủ xe sốt ruột vì thời gian sạc bị kéo dài do nhiệt độ tăng cao.
Để đối phó với tình trạng trên, một số chủ xe điện đã nảy ra sáng kiến hạ nhiệt cho hệ thống sạc khi trời nắng nóng, để tăng tốc độ sạc, bằng cách quấn khăn ướt vào tay nắm sạc nhanh. Và họ khẳng định rằng cách này thực sự hiệu quả.
Mẹo này được cho là hiệu quả nhất với các trụ sạc nhanh V2 Supercharger của Tesla
Mẹo này đã được lan truyền trên khắp các diễn đàn người dùng xe điện Tesla và một số cộng đồng mạng khác từ mấy năm nay, tuy nhiên, khi mùa hè nắng nóng kỷ lục đang tới, phương pháp này được nhắc tới nhiều hơn.
Cách thực hiện đơn giản đúng như miêu tả, đó là quấn một chiếc khăn ướt quanh tay nắm sạc. Việc này được cho là đặc biệt hiệu quả khi nắng rọi thẳng vào khiến tay nắm sạc nóng lên.
Chẳng hạn, ở các trụ sạc nhanh V2 Supercharger của Tesla không dùng cáp tự làm mát, tay nắm nóng lên rất nhanh. Lúc này, cảm biến ở bên trong tay nắm sẽ báo hiệu cho trụ sạc giảm dòng để hạ nhiệt, đảm bảo an toàn, tức là xe sẽ sạc chậm hơn. Tuy nhiên, nếu có khăn ướt quấn bên ngoài, tay nắm sạc sẽ không bị nắng rọi trực tiếp và mát hơn, dẫn tới tốc độ sạc nhanh hơn.
Theo InsideEVs, một chủ xe Tesla đã theo dõi thông số, cho biết việc quấn khăn ướt khiến trụ V2 Supercharger tăng công suất sạc từ 60kW lên 95kW trong một ngày nắng nóng.
Mẹo sạc nhanh này được nhiều chủ xe áp dụng trong thời tiết nắng nóng
Trong khi đó, phóng viên trang Out of Spec Studios đã thử nghiệm và thu được kết quả còn tốt hơn. Theo đó, họ cắm sạc khi pin còn 2% và trụ sạc Supercharger nhanh chóng đẩy công suất sạc lên 147kW, nhưng sau đó nhiệt độ tăng lên đã khiến công suất sạc giảm xuống chỉ còn 58kW khi pin đạt 34%. Quấn khăn ướt quanh tay nắm sạc đã khiến công suất sạc tăng lên 119kW.
Tuy nhiên, mẹo này không hiệu quả với tất cả các dòng ô tô điện. Với một số trụ sạc đời mới hơn, tay nắm sạc đều có khả năng tự làm mát khi nhiệt độ tăng quá cao, việc quấn khăn ướt lên tay cầm sạc sẽ không làm thay đổi đáng kể công suất và thời gian sạc pin xe điện.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng dù mẹo này có hiệu quả thì cũng sẽ chỉ giúp chủ xe tiết kiệm ít phút, vì tốc độ sạc sẽ tự động chậm lại khi pin gần đầy, dù nhiệt độ không cao. Trên thực tế, pin xe điện có thể sạc nhanh hơn ở trạng thái dung lượng pin thất (<20%) so với khi đang gần đầy (>80%). Đây là lý do tại sao xe điện thường có thể sạc từ 0-80% khá nhanh nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để sạc đầy từ 80-100%. Điều này nhằm bảo vệ pin xe điện không bị quá nóng và giúp duy trì tuổi thọ của pin.
Chủ xe “tiếp nước” trực tiếp cho chiếc khăn quấn quanh tay nắm sạc
Ngoài ra, bản thân xe điện có thể kiểm soát nhiệt độ ở cổng sạc, nên ngay cả trong trường hợp tay nắm sạc được làm mát theo kiểu quấn khăn ướt, xe vẫn sẽ báo trụ sạc giảm công suất để đảm bảo an toàn.
Do đó, dù trụ sạc nhanh hiện nay đều được thiết kế chống chọi và an toàn khi trời mưa nhưng việc sử dụng khăn ướt ở gần nguồn điện khá nguy hiểm và chưa hẳn đã mang lại hiệu quả với tất cả các loại xe.