Nếu gan có vấn đề hoặc bị tổn thương, trên mặt thường sẽ xuất hiện ba sự thay đổi lớn.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như giải độc, trao đổi chất và tổng hợp các chất cần thiết. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt không lành mạnh và lối sống căng thẳng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến gan.
Theo Stheadline, bác sĩ Dương Lệ Hoa, Bệnh viện Hồ Bắc, Trung Quốc, chỉ ra những vấn đề về gan có thể được nhận biết thông qua những thay đổi trên gương mặt. Dưới đây là 3 dấu hiệu nhận biết:
Da vàng, xỉn màu
Khi chức năng gan suy giảm hoặc bị tổn thương, quá trình chuyển hóa bilirubin trong cơ thể sẽ trở nên bất thường, khiến độc tố tích tụ. Tình trạng này ảnh hưởng đến trao đổi chất của da, khiến da trở nên thô ráp, xỉn màu, thiếu sức sống.
Các bệnh lý như viêm gan hoặc xơ gan làm tế bào gan tổn thương, không thể chuyển hóa bilirubin và đào thải độc tố bình thường, từ đó gây ra hiện tượng trên
Quầng thâm dưới mắt
Nếu bạn ngủ đủ giấc nhưng vẫn xuất hiện quầng thâm nghiêm trọng, có thể gan đang gặp vấn đề. Khi gan bị tổn thương, lưu thông máu kém, đặc biệt quanh mắt, dẫn đến quầng thâm. Ngoài ra, gan yếu có thể gây rối loạn nội tiết, khiến quầng thâm mắt trầm trọng hơn.
U mạch nhện
Khi gan bị tổn thương, khả năng bất hoạt của estrogen giảm sẽ khiến nồng độ estrogen trong máu tăng cao, từ đó làm giãn mao mạch và hình thành u mạch nhện. Da sẽ xuất hiện một chấm đỏ ở trung tâm, xung quanh có các nhánh mạch máu nhỏ tỏa ra trông giống như một con nhện. Các bộ phận thường gặp là mặt, cổ, ngực.
Gan là cơ quan quan trọng, chịu trách nhiệm nhiều chức năng sống còn. Nếu bạn nhận thấy 3 dấu hiệu trên xuất hiện trên gương mặt, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm liên quan. Việc phát hiện sớm sẽ giúp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là 5 thói quen sinh hoạt giúp bảo vệ và tránh tổn thương gan.
1. Ăn uống lành mạnh
– Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, giảm ăn thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường và nhiều muối. Các thực phẩm có lợi cho gan có thể kể đến bông cải xanh, măng tây, ổi, kiwi, gà, trứng, hải sản, cá hồi, cá thu đao, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, sữa…
– Tránh uống rượu quá nhiều vì rượu rất có hại cho gan.
– Uống đủ nước có thể giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Lượng nước khuyến nghị hàng ngày: trọng lượng cơ thể x 30-35 ml.
2. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
– Ngủ đủ giấc và tránh thức khuya. Giấc ngủ ngon sẽ giúp gan sửa chữa và giải độc.
3. Tập thể dục thể thao
– Tập thể dục đúng cách có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và còn góp phần tăng cường sức khỏe của gan.
4. Tránh lạm dụng thuốc
– Nhiều loại thuốc cần chuyển hóa ở gan, lạm dụng thuốc sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Do đó, cần tuân thủ chỉ định về liều lượng từ bác sĩ khi sử dụng thuốc.
5. Kiểm tra gan định kỳ
– Tiến hành xét nghiệm chức năng gan thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về gan.