Luật Tài nguyên nước (TNN) số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật bao gồm 10 chương, 86 điều với nhiều điểm mới về phương thức quản trị TNN nhằm bảo đảm an ninh, bảo vệ, phục hồi, phát triển TNN, kỳ vọng sẽ tạo một “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hiệu quả, bền vững. Ðể đưa Luật vào cuộc sống, các sở, ban, ngành của tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường truyền thông bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng TNN.
Kiểm tra thông tin vận hành quá trình sản xuất nước tại Xí nghiệp cấp nước Thanh Thuỷ (xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy).
Phú Thọ có tiềm năng, thế mạnh cả về TNN mặt, nước dưới đất do có lượng mưa trung bình hàng năm lớn, số lượng, lưu lượng dòng chảy cao, được bổ sung thường xuyên. Theo đó, nguồn nước dưới đất và nước mặt các sông, suối tự nhiên lớn có 6 sông liên tỉnh, 48 sông, ngòi nội tỉnh; 2 hồ chứa nước được quy hoạch đa chức năng, phục vụ cho cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Các suối, ngòi và nguồn nước ao, hồ, đầm khác chủ yếu được quy hoạch cho sản suất nông nghiệp. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp quản lý, chương trình hành động để thúc đẩy quản lý, khai thác, sử dụng TNN hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Nguyễn Khắc Định – Trưởng phòng Khoáng sản và TNN, Sở TN&MT cho biết: TNN giữ vai trò quan trọng, là điều kiện đầu tiên để duy trì sự sống của con người cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nên đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả. Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị, quyết định, dự án liên quan đến tăng cường công tác quản lý TNN trên địa bàn. Luật TNN 2023 cùng văn bản dưới Luật có hiệu lực thi hành là điều kiện thuận lợi, tạo cơ sở nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TNN.
So với Luật TNN 2012, Luật năm 2023 thể hiện nhiều sự đổi mới. Đầu tiên phải kể đến Luật quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời, đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị… theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến TNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý TNN. Đáng chú ý, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là TNN phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về TNN, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn…
Theo đồng chí Đào Ngọc Kỳ – Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Thủy, Luật TNN 2023 với điểm mới là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nặng sẽ góp phần quan trọng để trách nhiệm người dân, đơn vị trong sử dụng, bảo vệ nguồn nước hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, Luật cũng khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước. Tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm thuế, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo điểm 4, Điều 34 của Luật.
Để Luật sớm đi vào cuộc sống với sự chấp hành nghiêm của cả cơ quan quản lý và cộng đồng, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật TNN 2023, các văn bản quy định chi tiết thi hành, đặc biệt là các quy định mới đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về TNN; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định pháp luật về TNN. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tập trung rà soát, tổng hợp danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trình UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đúng với quy định của Luật TNN 2023.