Ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên

Kỳ II: Thiết lập “hàng rào” bảo vệ trẻ vị thành niên

Tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng không chỉ là vấn đề giải quyết của riêng lực lượng Công an mà đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để có những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa.

Kỳ II: Thiết lập “hàng rào” bảo vệ trẻ vị thành niênĐại tá Nguyễn Minh Tuấn – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp trao đổi, đối thoại, khuyên răn với thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.

Những mô hình quản lý, giáo dục hiệu quả

Xác định hệ lụy của tội phạm tuổi vị thành niên đối với gia đình, xã hội là vô cùng lớn nên thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai xây dựng nhiều mô hình với các biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng loại đối tượng. Tiêu biểu như mô hình “Câu lạc bộ phòng ngừa tội phạm”, “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy” trong các nhà trường. Mô hình nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hội phụ nữ các cấp tập trung xây dựng mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”; “Câu lạc bộ các bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên”… là nơi các phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, được tập huấn chăm sóc, giáo dục con; lắng nghe để hiểu con, động viên, chia sẻ giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì, tránh xa tệ nạn xã hội, tuân thủ pháp luật.

Hay mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em” được triển khai từ năm 2022, đến nay 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được mô hình. Theo phân cấp, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc sẽ làm trưởng ban, thủ trưởng Công an cùng cấp làm phó trưởng ban thường trực; thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể.

Đồng chí Phạm Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn thông tin: Khi mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em” được thành lập, Ban Chỉ đạo mô hình định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất theo quyết định của Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức họp để đánh giá tình hình. Việc triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình đã giúp các địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm do có sự chủ động nắm chắc tình hình, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể cùng sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân ở địa bàn khu dân cư.

Đặc biệt, trước tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên có biểu hiện gia tăng, tối ngày 14/10, tại UBND phường Nông Trang, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại, lắng nghe ý kiến Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng vũ khí, hung khí vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Việt Trì. Cuộc đối thoại được tổ chức, phát trực tiếp trên các nền tảng số Facebook, YouTube đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân quan tâm.

Đây là lần đầu tiên các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chủ trì, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Hội nghị được tổ chức để nghe những thanh, thiếu niên vi phạm trình bày về hoàn cảnh vi phạm pháp luật, tâm lý lứa tuổi, nguyên nhân phát sinh vi phạm; bày tỏ sự hối hận, ăn năn sau khi bị cơ quan chức năng xử lý đưa ra những lời khuyên cho các bạn cùng trang lứa. Phụ huynh, người giám hộ cho các trường hợp vi phạm tham gia chương trình cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, giáo dục con em mình. Mục tiêu của cuộc đối thoại để các ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội, nhà trường có thêm các biện pháp quản lý, tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giáo dục lối sống lành mạnh, có ích cho các thanh, thiếu niên, làm tốt hơn nữa vai trò “cầu nối”, đồng hành cùng với lực lượng Công an tích cực phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Thượng tá Phạm Thế Anh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ nhận định, hầu hết các vụ việc vi phạm do thanh thiếu niên gây ra đều được lực lượng Công an đấu tranh làm rõ, nhưng điều tra chỉ là bước cuối cùng trong xử lý vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên. Điều quan trọng là ngăn ngừa từ sớm thông qua tuyên truyền và giáo dục hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.600 thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, bao gồm nhiều em ở độ tuổi vị thành niên, học sinh trong nhà trường. Liệu những em này có được tiếp cận tuyên truyền hay tuyên truyền chỉ đến được những học sinh chăm ngoan?

Trước thực tế này, Phòng đã tham mưu cho Ban Giám đốc tổ chức hội nghị đối thoại, lắng nghe ý kiến Nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng vũ khí, hung khí vi phạm pháp luật trên địa bàn TP Việt Trì. Buổi đối thoại được Công an các tỉnh bạn đánh giá là cách làm hay. Sau một tháng triển khai, tình hình vi phạm của thanh thiếu niên đã giảm đi. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh, với kỳ vọng sẽ góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn, mang lại sự ổn định, bình yên cho Nhân dân.

Kỳ II: Thiết lập “hàng rào” bảo vệ trẻ vị thành niênCông an huyện Thanh Thủy phối hợp với Trường THPT Thanh Thủy tuyên truyền giáo dục pháp luật và cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật.

Chung tay giáo dục, bảo vệ trẻ vị thành niên

Cùng với xây dựng các mô hình giáo dục hiệu quả, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và đối tượng vi phạm, Tiến sĩ Lê Thị Xuân Thu – Trưởng khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là các phụ huynh phải thật sự quan tâm đến con cái và trở thành “rào chắn” cho trẻ trước những mặt trái của xã hội. Phải xác định gia đình chính là gốc rễ của việc hình thành nhân cách các em. Bên cạnh đó, nhà trường nên chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; xã hội cần tạo sân chơi lành mạnh và quản lý chặt thông tin bạo lực trên mạng. Sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, xã hội là chìa khóa ngăn chặn vi phạm pháp luật.

Trước thực trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thành phố, đồng chí Nguyễn Thu Hiền – Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì khẳng định: “Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi gia đình, nhà trường cần nhìn nhận rõ vai trò giáo dục con em trong lứa tuổi học sinh, kịp thời chấn chỉnh hành vi lệch lạc, sai trái; chỉ đạo chính quyền địa phương cùng với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia tố giác tội phạm, nhất là thanh thiếu niên vi phạm. Lực lượng công an rà soát, nắm chắc các đối tượng có biểu hiện vi phạm để kịp thời răn đe, xử lý tốt các tin báo tố giác tội phạm”.

Với vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, thời gian qua ngành Giáo dục đã triển khai, thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, nhất là Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 06/4/2015 của UBND tỉnh về “Tăng cường công tác đảm bảo ANTT, phòng, chống bạo lực học đường và tệ nạn xã hội trong các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”.

Để tiếp tục ngăn ngừa tình hình vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viênNhà giáo ưu tú Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Hàng năm khi bước vào năm học, Sở GD&ĐT đều yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền giáo dục về phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật. Một điểm mới trong năm nay, đó là Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thông tin cho cha mẹ về kết quả học tập, ý thức rèn luyện học sinh ở lớp và thực hiện an toàn giao thông của học sinh theo tuần, tháng.

Việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trẻ vị thành niên đã có sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể. Mong rằng mỗi thành phần trong xã hội đều cần nhận thức rõ vai trò của mình để cùng xây dựng hệ thống bảo vệ đồng bộ, chặt chẽ, giúp trẻ vị thành niên phát triển đúng hướng. Chỉ khi có sự đồng lòng và vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía, chúng ta mới có thể tạo ra “tấm khiên” vững chắc cho thế hệ trẻ, giảm thiểu các loại tội phạm, đảm bảo ANTT xã hội.