(PLO)- Bộ Công an đề xuất mức chi hỗ trợ người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ việc.
Bộ Công an vừa đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp ngân sách Nhà nước. Trong đó, Bộ Công an đề xuất được sử dụng phần lớn tiền xử phạt giao thông và tiền đấu giá biển số xe để phục vụ hoạt động đảm bảo an toàn giao thông.
Một số quy định chi tiền hiện hành chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Theo quy định hiện hành, Bộ Công an phải lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính; căn cứ vào số thu xử phạt hành chính của năm trước liền kề do Kho bạc Nhà nước Trung ương cung cấp, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt cấp dự toán kinh phí xử phạt hành chính cho Bộ Công an. Tỉ lệ trích gần nhất năm 2023 là 79%.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng quy trình thực hiện trên còn có khó khăn và chưa kịp thời. Song song đó, một số quy định chi tiền hiện hành chưa đầy đủ với thực tế công tác đảm bảo an toàn giao thông như vận hành hệ thống giám sát camera, xây dựng trung tâm thông tin chỉ huy…
Thêm vào đó, mức chi bồi dưỡng ca đêm cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn thấp, không phù hợp tình hình thực tế để bù đắp sức khoẻ phục vụ lực lượng này.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cho phép Bộ Công an được trích 30% tiền đấu giá biển số xe để phục vụ công tác của ngành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại này.
Với các khó khăn đó, Bộ Công an đề xuất và được Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Trong đó, quy định “bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Chính phủ”.
Để triển khai quy định trên, Bộ Công an dự thảo Nghị định trên theo hướng sau:
“Cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 85% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và 30% số tiền thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp ngân sách nhà nước cho Bộ Công an; 15% số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm trước liền kề cho UBND các tỉnh, thành để gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Như vậy, có thể hiểu Bộ Công an sẽ nhận 85% từ tiền xử phạt giao thông (khoảng 1.834 tỉ đồng, số tiền đã nhận tính theo năm 2023), các tỉnh nhận 15% còn lại (568 tỉ đồng, số tiền đã nhận trong năm 2023) để phục vụ công tác an toàn giao thông.
Bộ Công an dự chi nhiều mục đích
Với số tiền được nhận, Bộ Công an đề xuất chi cho các hoạt động sau mua sắm thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông, mua xăng dầu, giải quyết tai nạn giao thông, vận hành đường dây nóng, khắc phục sự cố ùn tắc, khen thưởng cá nhân tập thể, cước điện thoại, sơ kết và tổng kết nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông…
Số tiền thu từ xử phạt giao thông cũng dự kiến chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm.
Cụ thể, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (một ca từ đủ bốn giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau), ½ ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ công chức, viên chức và các lực lượng tại địa phương trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 10 ca/tháng; đối với ca đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), ½ ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ việc.
Các mức chi khác cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đề xuất thực hiện theo quy định pháp luật.
Dự thảo nghị định trên chỉ quy định các mức chi có tính chất đặc biệt, đây là nội dung chi rất quan trọng mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Cũng theo Bộ Công an, tại nước ta, lực lượng CSGT sử dụng ứng dụng phần mềm để nhận thông tin của người dân làm căn cứ xử phạt. Sau khi ban hành quyết định xử phạt sẽ chi trả lại cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông qua tài khoản.
“Nếu áp dụng chính sách trên mỗi người dân sẽ là một người giám sát, hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu quả…”- Bộ Công an cho hay.
Bộ Công an cần xây dựng kênh tiếp nhận và chi thưởng thuận lợi
Anh Nguyễn Hoàng Anh, ngụ ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khẳng định đây là đề xuất rất hay và anh tin hầu hết mọi người dân đều ủng hộ. Tuy nhiên, Bộ Công an cần xây dựng kênh tiếp nhận phản ánh thuận tiện hơn hiện nay.
Chẳng hạn, ngành công an có thể lập ngay một trang điện tử chuyên nhận các video phản ánh của người dân. Theo đó, khi người dân có thông tin chỉ cần đính kèm video và các thông tin như địa điểm, thời gian, biển số xe vi phạm…
Sau khi tiếp nhận và xử phạt người vi phạm, công an phải phản hồi cho người dân và chuyển tiền thưởng đến họ theo quy định mà không cần bất kỳ giấy tờ gì khác.