Phát triển kinh tế ở thị trấn Thanh Ba

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Phát triển kinh tế ở thị trấn Thanh BaSiêu thị mini trên địa bàn thị trấn thanh Ba, huyện Thanh Ba bày bán đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Cấp ủy, chính quyền thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây có chất lượng, năng suất, sản lượng cao vào sản xuất. Đến nay, 100% diện tích gieo cấy được gieo trồng bằng các giống lúa lai năng suất cao, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, năng suất lúa trung bình đạt 52 tạ/ha. Bên cạnh đó, cây chè có diện tích 17,3ha, cây lâm nghiệp có diện tích 146,53ha được áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Cùng với chuyển dịch cơ cấu trong trồng trọt, thị trấn đẩy mạnh chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Do có bước đi thích hợp, chăn nuôi hộ gia đình phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn hơn 700 con, gia cầm trên 22.000 con.

Trong năm 2024 trên địa bàn triển khai thực hiện các dự án: Đường kết nối Km30 cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đi trung tâm huyện Thanh Ba; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước suối Cầu Văng khu vực Đông Lĩnh – thị trấn Thanh Ba đi Mạn Lạn; đường giao thông khu 3 thị trấn đi khu 4 Đồng Xuân… tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, 100% đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa, 100% hộ gia đình được dùng điện ổn định, các trục đường giao thông chính đều có điện chiếu sáng vào ban đêm. Đảng bộ, chính quyền thị trấn chỉ đạo khai thác tối đa lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ.

Toàn thị trấn có gần 800 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu ở khu chợ và các tuyến đường trục chính với các ngành nghề chủ yếu như: Sản xuất, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, may, bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ăn uống… Tổng thu nhập từ thương mại, dịch vụ năm 2024 đạt trên 344 tỷ đồng, chiếm hơn 55% cơ cấu giá trị kinh tế của địa phương; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,5 triệu đồng/năm; xây dựng đô thị văn minh đạt 9/9 tiêu chí, đạt 100% kế hoạch năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,78%.

Đồng chí Đỗ Minh Tuân – Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Ba cho biết: “Thị trấn tiếp tục xác định phát triển kinh tế địa phương theo hướng đa ngành, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất gắn với phát triển thương mại, dịch vụ. Tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác doanh nghiệp để tìm kiếm, thu hút các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân”.

Thanh Nga