(VTC News) –
Gout ở từng giai đoạn có các dấu hiệu khác nhau, nhận biết sớm các biểu hiện giúp dễ điều trị, phòng tránh biến chứng.
Theo ThS.BS Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, dù là bệnh xương khớp lành tính, những biến chứng của gout như gãy xương, sỏi thận, tiểu đường có thể gây tàn phế, đe dọa tính mạng. Người bệnh cần chú ý đến các bất thường của cơ thể để kịp thời khám và điều trị.
Ở giai đoạn đầu của gout, người bệnh mới chỉ tăng nồng độ axit uric trong máu, chưa hình thành các tinh thể gây viêm khớp nên thường không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Đa số trường hợp phát hiện bệnh vào giai đoạn thường không phải điều trị, có thể kiểm soát bệnh bằng các biện pháp chăm sóc và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm, nồng độ axit uric tiếp tục tăng, dẫn tới tích tụ những tinh thể urat gây viêm và xuất hiện triệu chứng bệnh.
Trong giai đoạn 2, các triệu chứng rõ ràng, những tinh thể uric lắng đọng quanh khớp, thường gặp ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay, gây viêm cấp tính. Lúc này, người bệnh đau dữ dội và khó chịu, các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ. Những đợt khởi phát bệnh thường xuất hiện đột ngột, chỉ kéo dài 3 đến 10 ngày, triệu chứng đau giảm dần theo thời gian.
Ở giai đoạn 3, tần suất khởi phát viêm và các triệu chứng gout cấp ngày càng dày đặc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khớp.
Gout phát triển đến giai đoạn 4 có thể xuất hiện các hạt tophi. Những hạt này có hình dạng như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da, tại vị trí các khớp xương. Nhiều khớp trên cơ thể, thậm chí là thận, có thể đã xuất hiện các tổn thương vĩnh viễn. Ở giai đoạn này, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng không thể phục hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động.
Chuyên gia khuyến cáo ở giai đoạn đầu, gout thường không có triệu chứng rõ rệt. Những người nguy cơ mắc bệnh nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể để kịp thời điều trị, ngăn bệnh tiến triển nặng, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Một số nhóm người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh là phụ nữ ở tuổi mãn kinh, nhóm thừa cân, béo phì cũng có yếu tố nguy cơ cao bị gout, nhóm người có lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn cần hết sức lưu ý để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh, có hướng xử trí kịp thời.