Chi tiết sáp nhập phường, xã của Phú Thọ và Sơn La

(PLO)- Sau sáp nhập phường, xã, tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 207 đơn vị hành chính cấp xã, còn tỉnh Sơn La có 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Thọ, tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 – 2025.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành trong tháng 1 và 2-2025.

Nghị quyết của Quốc hội sắp xếp đơn vị hành chính ở Phú Thọ và Sơn La.jpg
Một góc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh TÙNG VY

Sau sắp xếp, Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện

Theo Nghị quyết 1282, tỉnh Phú Thọ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại TP Việt Trì, huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê và Tân Sơn. Sau khi sắp xếp, tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 11 huyện, một thị xã và một TP; 207 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 180 xã, 15 phường và 12 thị trấn.

Cụ thể, đối với TP Việt Trì, nhập phường Vân Cơ vào phường Nông Trang. Sau khi nhập, phường Nông Trang có diện tích là 2,87 km2 và dân số 29.196 người.

Phường Bến Gót nhập vào phường Thọ Sơn, diện tích sau sáp nhập là 4,16 km2 và 13.403 người.

Sau thực hiện sắp xếp, TP Việt Trì có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường và chín xã.

Tại huyện Đoan Hùng, nhập xã Minh Phú và xã Vụ Quang vào xã Chân Mộng. Sau khi nhập, xã Chân Mộng có diện tích là 35,75 km2 và 14.530 người.

Xã Minh Tiến và xã Tiêu Sơn được sáp nhập vào xã Yên Kiện. Diện tích sau sáp nhập là 29,58 km2 và 14.324 người; xã Vân Đồn sáp nhập vào xã Hùng Long, sau sáp nhập có diện tích là 24,53 km2 và 9.340 người.

Xã Vân Du nhập vào xã Chí Đám, sau sáp nhập, xã này có diện tích là 21,50 km2 và 15.623 người; xã Minh Lương nhập vào xã Bằng Doãn, xã này có diện tích là 27,27 km2 và 6.981 người. Xã Sóc Đăng sáp nhập vào thị trấn Đoan Hùng; sau sáp nhập, thị trấn Đoan Hùng có diện tích là 11,68 km2 và 12.773 người.

Sau khi sắp xếp, huyện Đoan Hùng có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và một thị trấn.

Tại huyện Cẩm Khê, thành lập xã Minh Thắng trên cơ sở nhập xã Tuy Lộc, Ngô Xá và xã Thụy Liễu. Sau khi thành lập, xã Minh Thắng có diện tích là 18,90 kmvà 21.170 người; thành lập xã Phong Thịnh với diện tích là 22,35 km2 và 14.610 dân trên cơ sở nhập xã Cấp Dẫn, Xương Thịnh và xã Sơn Tình.

Thành lập xã Nhật Tiến trên cơ sở sáp nhập các xã Phú Lạc, Chương Xá và xã Văn Khúc. Sau khi thành lập, xã Nhật Tiến có diện tích là 21,45 km2 và 13.697 người.

Nhập xã Tạ Xá và Yên Tập vào xã Phú Khê, sau sáp nhập, xã Phú Khê có diện tích là 20,66 km2 và 17.886 người.

Như vậy, sau khi sắp xếp, huyện Cẩm Khê có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và một thị trấn.

Tại huyện Tân Sơn, thành lập thị trấn Tân Phú trên cơ sở toàn bộ diện tích là 20,87 km2 và dân số là 7.755 người của xã Tân Phú. Sau khi thành lập thị trấn, huyện Tân Sơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và một thị trấn.

Huyện Mộc Châu lên thị xã

Theo Nghị quyết 1280, tỉnh Sơn La sẽ thành lập thị xã Mộc Châu trên cơ sở diện tích và dân số huyện Mộc Châu. Sau khi thành lập, thị xã Mộc Châu có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm tám phường là Bình Minh, Cờ Đỏ, Đông Sang, Mộc Lỵ, Mộc Sơn, Mường Sang, Thảo Nguyên, Vân Sơn và bảy xã là Chiềng Chung, Chiềng Hắc, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn, Đoàn Kết, Lóng Sập, Tân Yên.

Tại huyện Thuận Châu, sau sắp xếp có 28 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 xã và một thị trấn; huyện Phù Yên sau khi sắp xếp có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 xã và một thị trấn.

Tại huyện Yên Châu sau sắp xếp có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và một thị trấn. Huyện Sông Mã sau sáp nhập huyện này có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 18 xã và một thị trấn; Huyện Quỳnh Nhai sau sáp nhập có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và một thị trấn.

Tỉnh Sơn La sau khi sắp xếp có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện, một thị xã và một TP; 200 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 177 xã, 15 phường và tám thị trấn.

Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, HĐND, UBND hai tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết. Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn