GDVN – Nếu Dự thảo thông qua sẽ rút ngắn thời gian tuyển dụng, kịp thời tuyển biên chế phục vụ giảng dạy, thống nhất trong quản lý, sử dụng viên chức giáo dục.

Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội cho ý kiến có điểm mới là đề xuất giao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành giáo dục.

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo như sau: “Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng”.

Dự thảo nêu: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Điểm mới này của dự thảo đang nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo, cán bộ công tác tại các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước.

Quy trình tuyển dụng nhà giáo đang phải thực hiện nhiều khâu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Phú – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh bày tỏ, từ trước đến nay, ngành Giáo dục sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhưng về mặt quản lý thì lại là ngành Nội vụ. Trong công tác tuyển dụng nhà giáo, ngành Giáo dục và ngành Nội vụ có sự phối hợp nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ngành Nội vụ.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp tuyển dụng giáo viên trung học phổ thông; còn từ cấp trung học cơ sở trở xuống là do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với Phòng Nội vụ huyện để thực hiện tuyển dụng nhà giáo.

gdvn_vn 3.JPG
Học sinh Trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Ngọc Mai)

“Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo theo đúng những văn bản quy định về mặt phân cấp, ủy quyền. Hiện nay, tỉnh đã phân cấp, ủy quyền tuyển dụng nhà giáo đến cấp huyện, ủy ban nhân dân huyện được thực hiện tuyển dụng, chỉ có điều là Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp tuyển dụng, còn quản lý nhà giáo vẫn là Phòng Nội vụ huyện phụ trách”, ông Phú chia sẻ.

Trước thực tế đó, ông Phú cho rằng, nếu đề xuất giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục được thông qua thì công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ sát với tình hình thực tế hơn, tạo nhiều thuận lợi cho ngành Giáo dục.

Chỉ ra những bất cập trong công tác tuyển dụng và sử dụng nhà giáo hiện nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoài Thúy Hằng chia sẻ, hiện nay, biên chế cán bộ, công chức, người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao hàng năm chưa đảm bảo đủ số lượng theo thực tế và định mức biên chế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang luôn trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp tại các cấp học, đặc biệt là cấp mầm non.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, thực tế, số biên chế mà hội đồng nhân dân tỉnh giao hàng năm đều thấp hơn so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thiếu giáo viên nhưng cấp mầm non và tiểu học không thể thực hiện việc thỉnh giảng hay bố trí dạy liên trường nên ngành Giáo dục tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Thêm nữa, một trong những bất cập của ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang về công tác tuyển dụng còn đến từ việc thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù địa phương đã có chính sách thu hút trong tuyển dụng nhưng vẫn chưa thu hút được các thí sinh dự tuyển và an tâm công tác lâu dài cho ngành Giáo dục của địa phương.

Ngoài ra, Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo được nâng lên so với trước đây, trong khi đó, thực tế các cơ sở đào tạo giáo viên lại chưa đào tạo ra kịp, chưa có bước đón đầu để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhà giáo trong cả nước hiện nay. Điều này là nguyên nhân dẫn tới việc thiếu nguồn tuyển giáo viên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho rằng, nếu đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo được thực thi sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian trong tuyển dụng, kịp thời tuyển biên chế nhằm phục vụ công tác giảng dạy tại các nhà trường.

“Hiện nay thiếu giáo viên, nhân viên trường học nhưng công tác tuyển dụng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó quy trình tuyển dụng mất rất nhiều thời gian.

Cả tỉnh Hậu Giang có 9 đầu mối tuyển dụng, gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Những năm qua, kết quả tuyển giáo viên của tỉnh đạt rất ít; thiếu hồ sơ dự tuyển và số hồ sơ tuyển phân bố chưa đều trong các vị trí cần tuyển. Mỗi địa phương thực hiện quy trình tuyển dụng đang phải qua nhiều khâu, từ trường đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, sau đó qua Phòng Nội vụ, đến trình Ủy ban nhân dân huyện, và trình Sở Nội vụ,… mỗi bước, mỗi khâu kể trên đều mất một khoảng thời gian nghiên cứu thẩm định”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Tạo thống nhất trong quản lý sử dụng viên chức giáo dục

Bàn thêm về những thuận lợi khi ngành giáo dục được giao quyền chủ động trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngành Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nội vụ, gồm tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước,… Hiện nay, muốn tuyển dụng nhà giáo thì phải có văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Sở Nội vụ. Quá trình thực hiện việc này nảy sinh ra nhiều bất cập. Chính vì thế, khi được giao quyền chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành Giáo dục có thể thực hiện tuyển dụng nhà giáo bất cứ lúc nào căn cứ vào nhu cầu thực tế mà không cần chờ Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn chỉ đạo thì mới được tuyển dụng.

Nếu ngành Giáo dục được giao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành có thể chủ động xây dựng cơ chế chính sách thực hiện việc tuyển dụng sao cho đảm bảo thuận lợi nhất cho ngành.

Khi ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng sẽ khắc phục tình trạng thiếu GV

Nhấn mạnh về những tác động tích cực đối với ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang nếu đề xuất giao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục được thông qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang nhận định:

Thứ nhất, khi ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ rút ngắn được thời gian tuyển dụng do không cần phải thực hiện quy trình thông qua các cơ quan như ngành Nội vụ và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Thứ hai, ngành Giáo dục tỉnh có thể quản lý thống nhất công tác tuyển dụng, cũng như quản lý sử dụng viên chức giáo dục toàn tỉnh một cách thuận lợi, nhất là trong việc phân công sử dụng, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ mà hiện nay giữa các huyện không thể thực hiện điều động, hoặc phân công giáo viên.

Hơn nữa, đối với ngành Giáo dục, khi được chủ động sử dụng nhà giáo có thể thực hiện phân công giáo viên trên số lớp, số học sinh.

Ngọc Mai