(VTC News) –
Nếu biết cách trồng cây trà hoa vàng và chăm sóc đúng cách, bạn sẽ có trong khu vườn của mình những chậu cảnh sang chảnh và cũng là cây thuốc quý giá.
Trà hoa vàng (Camellia chrysantha) là một loài cây quý thuộc họ chè (Theaceae) nổi bật với những bông hoa vàng rực rỡ, thường được trồng làm cây cảnh. Đây là cây có tuổi thọ lâu năm, phát triển thành bụi với chiều cao từ 1 – 5m, tùy vào điều kiện trồng trọt. Trà hoa vàng có lá xanh bóng, hoa màu vàng rực rỡ, thu hút sự chú ý bởi vẻ đẹp tinh tế.
Cây trà hoa vàng không chỉ đẹp mà còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tại Việt Nam đã có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về dược tính của cây này. Theo đó, trong hoa và lá trà hoa vàng có tới 33,8% hoạt chất có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, cải thiện bệnh tiểu đường, ngăn ngừa huyết khối, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, từ đó giảm xơ vữa động mạch và phòng ngừa các bệnh tim mạch, chống viêm loét dạ dày.
Các hoạt chất trong hoa và lá trà hoa vàng cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị các rối loạn thần kinh như Alzheimer, Parkinson.
Cách trồng cây trà hoa vàng
Trà hoa vàng ưa bóng râm nhẹ, thích hợp trồng ở nơi có ánh sáng gián tiếp, không bị nắng gắt chiếu trực tiếp. Vì thế, vị trí tốt nhất để trồng cây trà hoa vàng là nơi có ánh sáng buổi sáng nhẹ hoặc nơi râm mát trong sân vườn.
Bạn cần chuẩn bị kỹ về giống và các điều kiện trồng để cây phát triển mạnh mẽ ngay từ đầu:
– Giống cây: Bạn có thể chọn cách nhân giống từ hạt hoặc cây giống mua sẵn. Cây giống mua sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và dễ chăm sóc hơn so với việc gieo hạt.
– Đất trồng: Sử dụng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Trộn đất vườn với phân hữu cơ hoặc phân vi sinh, thêm một ít tro trấu để giữ ẩm và đảm bảo độ thoáng.
– Chậu trồng (nếu trồng chậu): Chọn chậu có lỗ thoát nước, kích thước chậu tùy thuộc vào độ lớn của cây. Nên chọn chậu đủ rộng để cây có không gian phát triển. Chậu nhựa hoặc chậu đất nung đều phù hợp, miễn là đảm bảo khả năng thoát nước tốt.
Trước tiên, bạn rải một lớp đất nung hay xỉ than xung quanh đáy chậu với độ dày khoảng 2cm để tạo độ thông thoáng và thoát nước tốt mà vẫn giữ được đất. Cho giá thể đã trộn vào chậu, có thể bỏ thêm phân NPK vào đất nhưng không nên bón nhiều để tránh cây bị “sặc” dinh dưỡng.
Đặt nhẹ nhàng bầu cây vào chậu, lấp đất và nén đất xung quanh gốc cây, nên để đất cách bề mặt chậu 3-5cm để tưới nước không bị trào ra ngoài.
Tưới đẫm nước sau khi trồng và giữ ẩm đất để giúp cây thích nghi với môi trường mới.
Cách chăm sóc cây trà hoa vàng
– Tưới nước: Cây trà hoa vàng ưa độ ẩm nên cần tưới nước đều đặn, giữ đất ẩm nhưng không để ngập úng. Vào mùa hè, bạn có thể tưới 2-3 lần mỗi tuần, đến mùa đông giảm xuống 1-2 lần. Sử dụng nước sạch, tránh dùng nước nhiễm phèn hoặc nước máy chứa nhiều clo.
– Bón phân: Để cây trà hoa vàng phát triển khỏe mạnh, bạn cần bón phân định kỳ. Trong thời gian từ khi trồng đến khi cây cao 1m, bạn cần bón phân hữu cơ mỗi tháng một lần. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phân NPK hoặc phân vi sinh để thúc đẩy ra hoa. Khi cây còn non, nên bón phân loãng để tránh làm cây bị sốc phân. Các loại phân này giúp kích thích sự phát triển mạnh mẽ của cây, ít sâu bệnh gây hại.
– Cắt tỉa: Việc cắt tỉa giúp cây duy trì hình dáng đẹp và phát triển khỏe mạnh. Bạn nên tỉa bỏ các cành già, yếu hoặc bệnh để cây tập trung dinh dưỡng vào các cành khỏe mạnh.
– Phòng trừ sâu bệnh: Cây trà hoa vàng có thể bị các loại sâu bệnh như sâu xanh, rệp hoặc nấm. Để ngăn ngừa, bạn có thể dùng nước tỏi hoặc hỗn hợp xà phòng pha loãng xịt lên cây khi thấy dấu hiệu bệnh nhẹ. Nếu tình hình nghiêm trọng, hãy sử dụng thuốc trừ sâu sinh học.
–Thu hoạch trà hoa vàng: Lá và búp có thể thu hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Hoa trà cần được thu hoạch vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Đây là thời điểm hoa có nhiều giá trị dinh dưỡng nhất để có thể làm thuốc. Sau khi thu hái, bạn có thể sử dụng dược liệu tươi hoặc phơi, sấy khô và sao vàng, chế biến thành trà hoa vàng khô để sử dụng.
Những lưu ý khi trồng cây trà hoa vàng
– Không tưới quá nhiều: Tưới nước quá nhiều sẽ khiến rễ cây bị thối, làm cây dễ mắc bệnh nấm.
– Chọn vị trí thoáng mát: Đảm bảo cây được đặt ở vị trí có đủ ánh sáng và thoáng khí, tránh nơi có gió mạnh.
– Kiểm tra đất thường xuyên: Đảm bảo đất có độ pH phù hợp và không quá chua. Nếu cần thiết, bạn có thể bón thêm vôi để điều chỉnh độ pH.
Các công dụng của cây trà hoa vàng
Chia sẻ trên báo Sức khỏe & đời sống, BS Nguyễn Hồng Yến – Giảng viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, cây trà hoa vàng mang lại các lợi ích cho sức khỏe sau:
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Điều hòa và cân bằng lượng đường trong máu. Hoạt chất ôxy hóa có khả năng “dọn dẹp” gốc tự do, cân bằng việc chuyển hóa trong cơ thể và đốt cháy chất béo.
Hỗ trợ tim mạch
Polyphenol và polysaccharide giúp lưu thông khí huyết, điều hòa mỡ máu, ức chế axit béo trong cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, ổn định huyết áp, hạn chế các huyết khối.
Thanh lọc cơ thể và hỗ trợ giải độc gan
Trà hoa vàng giúp đào thải các chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, flavonoid giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của virus gây hại vào gan, trong đó có virus viêm gan C thường gặp. Lá cây không chỉ giúp thải các chất lỏng dư thừa ra ngoài, mà còn giúp đào thải độc tố và thanh lọc cơ thể hiệu quả.
Điều trị chứng mất ngủ kinh niên
Khác với nhiều loại trà chứa hoạt chất cafein, loại trà này có khả năng điều trị chứng mất ngủ hiệu quả, giúp an thần, giảm mệt mỏi và căng thẳng, tăng khả năng tập trung.
Ngăn ngừa và hỗ trợ chữa ung thư
Các hoạt chất có trong trà hoa vàng có khả năng ngăn ngừa quá trình hình thành và phát triển của tế bào ung thư. Với những bệnh nhân bắt đầu chuyển sang giai đoạn nặng, việc sử dụng trà tác động tốt tới quá trình điều trị.
Lá trà hoa vàng còn có tác dụng giảm béo, chống lão hóa, trị mụn, chống nắng…