Bí mật về khẩu súng gây đau tim chuyên dùng để ám sát của CIA

Trong số các bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) được Ủy ban Church công khai vào thập niên 1970, có lẽ không gì thu hút sự tò mò của công chúng Mỹ mạnh mẽ như “khẩu súng gây đau tim” của CIA.

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, CIA đã thực hiện mọi biện pháp nhằm đánh bại Liên Xô, từ việc đánh chặn thư từ của công dân Mỹ đến các hành vi trái pháp luật như sử dụng LSD (Lysergic acid diethylamide-chất gây ảo giác) lên những đối tượng không hề hay biết để thử nghiệm khả năng chịu đựng của họ trong quá trình thẩm vấn.

Các hoạt động bí mật này bị phanh phui khi Quốc hội tiến hành điều tra CIA, FBI, NSA và Sở Thuế vụ (IRS) vào năm 1975, và công khai các phát hiện đáng báo động của mình.

ap-cia-heart-attack-gun-1800.jpg
Khẩu súng gây đau tim chuyên dùng ám sát được công khai trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ

Dưới sự dẫn dắt của Thượng nghị sĩ Frank Church từ Idaho, Ủy ban Nghiên cứu hoạt động tình báo và chính phủ, được biết đến với tên gọi Ủy ban Church, đã được thành lập sau hàng loạt tiết lộ chấn động vào đầu thập niên 1970.

Một người tố giác tiết lộ rằng quân đội đang theo dõi công dân Mỹ. Sau đó, tờ New York Times đăng tải thông tin về việc CIA theo dõi và lưu trữ hồ sơ của khoảng 10.000 người Mỹ mà họ nghi ngờ là gián điệp nước ngoài – bao gồm cả một thành viên Quốc hội.

Ủy ban Church phát hiện CIA đã có một chương trình ám sát các lãnh đạo chống Mỹ được họ lên kế hoạch.

Tuy nhiên, CIA cần những cách ám sát mà không để lộ dấu vết, và họ tìm thấy giải pháp từ chất độc có nguồn gốc từ động vật thân mềm. Khi được chiết xuất, loại độc tố thần kinh này có thể đóng băng và bắn từ một khẩu súng, gây ra cái chết như một cơn đau tim.

Trong một phiên điều trần công khai năm 1975, Thượng nghị sĩ Church đã công bố “khẩu súng gây đau tim” của CIA cho cả thế giới.

Khẩu súng này trông giống một khẩu Colt M1911 với kính ngắm, nhưng thay vì bắn đạn 0.45-caliber, nó bắn ra viên đạn nhỏ như sợi tóc có chứa chất saxitoxin, một loại độc tố từ các động vật có vỏ.

Viên đạn có thể bắn tới khoảng cách 100 mét và khi vào cơ thể, nó gây ra vết châm nhỏ rất khó phát hiện, sau đó tan chảy và khiến nạn nhân tử vong trong vòng vài phút.

Loại saxitoxin được CIA lựa chọn nhờ vào khám phá của Mary Embree, người gia nhập CIA ngay sau khi rời trường trung học vào những năm 1960.

Từ một thư ký, bà được chuyển sang dự án MKNaomi, nhiệm vụ tích trữ các vật liệu “gây chết người và làm tê liệt nghiêm trọng” cho Cục Dịch vụ kỹ thuật. Vai trò của Embree là tìm kiếm một loại độc tố không thể phát hiện và saxitoxin là “viên đạn bạc” hoàn hảo mà CIA đang cần.

Dù đã có chất độc phù hợp, CIA vẫn cần một cách thức thực hiện mà không để lại bằng chứng. Nhà nghiên cứu Nathan Gordon tại Fort Detrick phát hiện rằng việc pha trộn độc tố với nước và đóng băng tạo ra một viên đạn nhỏ cỡ sợi tóc người, dài khoảng một phần tư inch, có thể được bắn từ một khẩu M1911 cải tiến.

Khi vào cơ thể, nạn nhân sẽ bị liệt, chết vì suy hô hấp mà không để lại dấu vết ngoài một vết đỏ nhỏ mà người kiểm tra tử thi không dễ dàng phát hiện.

Khẩu súng gây đau tim của CIA đặc biệt gây sốc bởi vì Tổng thống Richard Nixon đã cấm sử dụng vũ khí sinh học năm 1969 và yêu cầu tiêu hủy toàn bộ chất độc như saxitoxin. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Gordon cho biết chưa từng nhận được lệnh này và có những người trong CIA vẫn giữ lại chất độc.

Cuối cùng, một lượng saxitoxin đủ để giết chết 5.000 người được phát hiện trong một kho của CIA. Dự án MKNaomi chính thức bị đình chỉ năm 1970, theo New York Times.

Chính Giám đốc CIA khi đó là William Colby đã mang khẩu súng nổi tiếng này ra buổi điều trần tại Quốc hội năm 1975, mô tả nó một cách thận trọng là “công cụ tiêm vi sinh không phát hiện được”. Tuy nhiên, ông không tiết lộ CIA đã từng sử dụng khẩu súng này như thế nào.

Phát hiện của Ủy ban Church dẫn đến việc Tổng thống Gerald Ford ký sắc lệnh cấm các nhân viên chính phủ Mỹ tham gia vào hoạt động ám sát chính trị.

Về sau, CIA phải tìm các cách thức khác để loại bỏ các đối thủ của mình mà không phải trực tiếp gây ra cái chết – như tại Afghanistan, Argentina, Ba Lan, Chad, Nicaragua và nhiều nơi khác.