Mẹo làm khô giày nhanh chóng sau khi bị dính mưa

(VTC News) – 

Ngoài cảm giác khó chịu, giày ướt còn gây nấm chân, làm nặng thêm chứng đau khớp và bốc mùi hôi, các mẹo làm khô giày nhanh sẽ giúp bạn tránh tình trạng này.

Sau khi đi ra ngoài khi trời mưa, bạn cần áp dụng các biện pháp làm khô giày nhanh chóng, vì giày ướt gây khó chịu và cũng dễ hỏng hơn.

Mẹo làm khô giày nhanh khi bị dính mưa

Bạn có thể tham khảo các mẹo làm khô giày nhanh chóng sau khi dính mưa dưới đây để giữ những đôi giày yêu thích của mình luôn được khô ráo, bền đẹp lâu dài.

Sử dụng khăn giấy hoặc giấy báo

Đây cách đơn giản nhất để hút ẩm cho giày. Bạn lấy khăn giấy hoặc giấy báo cũ vo thành từng viên nhỏ, nhét vào bên trong giày. Nhớ là không nên nhét quá chặt vì có thể làm giày bị biến dạng.

Mẹo làm khô giày nhanh chóng sau khi bị dính mưa: Vo viên giấy báo nhét vào giày. (Ảnh: HowChimp)

Mẹo làm khô giày nhanh chóng sau khi bị dính mưa: Vo viên giấy báo nhét vào giày. (Ảnh: HowChimp)

 

Sau đó, bạn phủ một lớp giấy báo hoặc khăn giấy lên toàn bộ bề mặt giày. Nên thay giấy khoảng 1-2 tiếng mỗi lần để đảm bảo khả năng hút ẩm của giấy luôn ở mức tối đa. Thông thường, sau khoảng 4-5 tiếng, giày của bạn sẽ khô hơn rất nhiều.

Phương pháp này an toàn cho hầu hết các loại giày, đặc biệt là giày da hoặc giày vải, vì đây là cách làm khô không sử dụng nhiệt cao, không làm hỏng chất liệu.

Làm khô giày nhanh bằng máy sấy tóc

Máy sấy tóc là một công cụ tuyệt vời giúp làm khô giày nhanh chóng, đặc biệt là khi bạn cần sử dụng giày gấp. Tuy nhiên, để tránh làm hỏng chất liệu giày, bạn cần chú ý :

– Bật máy sấy tóc ở chế độ mát hoặc nhiệt độ thấp. Nhiệt độ quá cao có thể làm cho giày da hoặc giày vải bị nứt hoặc biến dạng.

– Nên đặt máy sấy cách giày khoảng 10-15 cm và di chuyển đều, tránh để máy sấy quá gần một vị trí quá lâu.

– Liên tục kiểm tra độ ẩm của giày và điều chỉnh nhiệt độ, tránh làm giày quá nóng.

Lưu ý, đối với giày da hoặc giày bằng chất liệu nhạy cảm, nên hạn chế sử dụng phương pháp này, tránh làm giày bị hỏng. Với các loại giày thể thao hoặc giày cao su, bạn có thể tăng nhiệt độ một chút để đạt hiệu quả nhanh hơn.

Sử dụng máy sấy giày

Máy sấy giày là giải pháp tốt nhất để làm khô giày nhanh chóng nếu bạn thường xuyên bị ướt mưa. Các loại máy sấy giày hiện nay thường có thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng mang theo, đảm bảo làm khô hiệu quả mà không gây hỏng chất liệu.

Đặt máy sấy vào bên trong giày, chọn chế độ và thời gian sấy thích hợp, thường là từ 30 phút đến 1 tiếng tùy vào loại giày và độ ướt. Máy sấy giày giúp giày khô đều từ bên trong một cách an toàn, đồng thời diệt khuẩn và khử mùi.

Nếu bạn ở nơi thường xuyên có mưa và giày dễ bị ướt, đây là khoản đầu tư đáng cân nhắc để bảo vệ giày bền đẹp, lại rất tiện dụng.

Phơi giày ở nơi thoáng gió

Nếu bạn không có thời gian và dụng cụ thì để giày ở nơi thoáng gió và có ánh nắng là cách đơn giản và hiệu quả để làm khô giày nhanh chóng sau khi bị dính mưa. Không khí lưu thông tự nhiên sẽ giúp nước trong giày bay hơi một cách tự nhiên.

Phơi ở nơi thoáng gió là cách đơn giản giúp đôi giày khô ráo sau khi dính mưa mà không gây hại chất liệu. (Ảnh: ikariamag)

Phơi ở nơi thoáng gió là cách đơn giản giúp đôi giày khô ráo sau khi dính mưa mà không gây hại chất liệu. (Ảnh: ikariamag)

Phơi giày ở nơi có gió lưu thông tốt nhất. Nếu có thể, hãy treo giày lên để không khí có thể lưu thông cả trong và ngoài giày. Tuy nhiên, không nên đặt giày trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời quá lâu, vì ánh nắng có thể làm bạc màu và làm giày da bị nứt.

Với phương pháp này, đôi giày của bạn sẽ không nhanh khô bằng dùng máy nhưng lại rất an toàn, không gây hại cho chất liệu.

Sử dụng muối hạt

Chuẩn bị muối ăn thông thường hoặc muối tinh có sẵn trong nhà bếp với lượng muối đủ dùng cho cả hai chiếc giày. Rang muối trên chảo ở nhiệt độ trung bình cho đến khi muối nóng lên (chú ý không để bị cháy hoặc khét) rồi đổ vào hai chiếc túi nhỏ hoặc hai chiếc tất sạch.

Đóng chặt miệng túi hoặc tất, đặt vào hai bên giày, đảm bảo muối được phân bố đều và tiếp xúc với toàn bộ bề mặt bên trong của giày.

Sau khoảng 1-2 tiếng, hãy kiểm tra độ khô của giày. Nếu cần, bạn tiếp tục đặt túi muối rang vào giày và lặp lại quá trình này cho đến khi giày hoàn toàn khô.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)