Mùa hoa dã quỳ năm 2024 tại Vườn Quốc gia Ba Vì diễn ra từ ngày 26/10 – 08/12/2024, thời gian hoa nở rộ và đẹp nhất từ ngày 2 – 24/11/2024. Trong tiết trời se se lạnh, nhiều đoàn du khách đã bắt đầy lên Ba Vì để check in và sống ảo.
Theo Cổng thông tin của Vườn Quốc gia Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) hoa dã quỳ, loài hoa đặc trưng của Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì, đã bắt đầu nở, báo hiệu một mùa thu dần kết thúc và mùa đông sắp đến. Trong tiết trời se se lạnh, nhiều đoàn du khách bắt đầu lên VQG Ba Vì để hòa cùng với thiên nhiên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa dại mang tên dã quỳ.
Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12, cả VQG Ba Vì được phủ vàng bởi sắc hoa dã quỳ.
Dã quỳ hay còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại là một loài cây dễ mọc, sinh trưởng nhanh, thường ra hoa vào dịp cuối thu, đầu đông (khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 hàng năm), mỗi bông hoa thường có 13 cánh, tỏa tròn to khoảng 8 – 10 cm, cánh hoa màu vàng rực, hướng dương, nhụy căng tròn, tràn đầy sức sống, tỏ ý kiêu hãnh không bao giờ chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Hoa dã quỳ nổi bật với màu vàng kiêu sa.
Hoa dã quỳ tại VQG Ba Vì được trồng từ những năm 1930 – 1945 của thế kỷ 20. Trải qua thời gian, hoa dã quỳ đã trở thành biểu tượng của VQG Ba Vì, khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch mỗi khi đông chớm về.
Hoa dã quỳ là biểu tượng của một tình yêu chung thủy, son sắc, bền lâu.
Theo hướng dẫn của VQG Ba Vì, sau khi mua vé tham quan, từ cổng kiểm soát lên cốt 400m đi qua những khúc cua uốn lượn, du khách đã được ngắm nhìn những dải hoa dã quỳ vàng rực dọc hai bên đường.
Vào mùa này lên VQG Ba Vì, chỗ nào cũng thấy hoa dã quỳ nở rộ.
Qua rừng thông cốt 400 khoảng 200m du khách gửi xe, rẽ trái đi bộ khoảng 300m sẽ đến được “Rừng hoa dã quỳ”. Rừng hoa dã quỳ có diện tích rộng khoảng trên 10 ha, gồm 05 khu, có tuyến đường mòn đi bộ dài trên 3km. Khi đi dạo bộ giữa thảm hoa vàng rực xen lẫn đại ngàn rừng xanh của Núi Tản, du khách sẽ được thả hồn miên man trong sự tích truyện tình của Thánh Tản Viên Sơn Tinh với Công chúa Ngọc Hoa hay câu truyện tình lãng mạn trong “Sự tích hoa dã quỳ”.
Đường lên VQG Ba Vì ngập trong sắc vàng của hoa dã quỳ.
Chị Nguyễn Thị Thúy Vy, 25 tuổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội cho biết, năm nào đến mùa hoa dã quỳ nở chị cũng phải tranh thủ lên Ba Vì để “check in”, bởi quá yêu khung cảnh nên thơ khi nhìn ngắm cả thảm hoa vàng rực trong thời tiết se se lạnh.
Giữa rừng hoa dã quỳ, du khách dễ dàng có được những bức ảnh triệu view.
Ngất ngây trước khung cảnh hoa dã quỳ chìm trong sương sớm.
Chị Thúy Vy cũng cho biết thêm, đường lên Ba Vì khá dễ đi. Từ Hà Nội du khách có thể đi theo hướng Đại lộ Thăng Long hoặc quốc lộ 32, sau đó theo tuyến đường tỉnh lộ 414 (Sơn Tây – Đá Chông) đến Km8 + 800m sẽ có biển chỉ dẫn du khách rẽ trái vào VQG Ba Vì.
Đường lên VQG Ba Vì khá dễ đi.
Ngoài ra, có rất nhiều tuyến đi khác để đến VQG Ba Vì. Từ Vĩnh Phúc du khách có thể qua cầu Vĩnh Thịnh rẽ trái đi theo đường tránh Sơn Tây, đến ngã tư Sơn Lộc rẽ phải theo tỉnh lộ 414 đến Km8 + 800m sẽ có biển chỉ dẫn du khách rẽ trái vào Vườn quốc gia Ba Vì. Từ Phú Thọ du khách có thể qua cầu Trung Hà, cầu Văn Lang hoặc cầu Đồng Quang để hỏi đường đi tiếp đến Vườn quốc gia Ba Vì. Từ Hòa Bình du khách có thể đi theo quốc lộ 6 đến Xuân Mai rẽ trái theo đường Xuân Mai – Sơn Tây rẽ trái theo tỉnh lộ 414 đến VQG Ba Vì hoặc đi theo tuyến đường Hòa Bình – Chẹ – Đá Chông rẽ phải để hỏi đường đến VQG Ba Vì.