Thay đổi thói quen đi tiểu
Thận khỏe mạnh giúp cơ thể giữ nước vào ban đêm. Khi thận suy yếu, khả năng cô đặc nước tiểu giảm, dẫn đến việc bạn phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Lượng nước tiểu thay đổi đột ngột, tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường cũng có thể là dấu hiệu của suy thận hoặc các bệnh lý khác về đường tiết niệu.
Nếu bạn cảm thấy buốt, rát khi đi tiểu, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể lan lên thận gây viêm thận, suy thận nếu không được điều trị kịp thời. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có bọt, có máu, đục hoặc chuyển sang màu sẫm, bạn cần đi khám ngay để kiểm tra chức năng thận.
Phù nề
Phù nề là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều chất lỏng trong các mô, khiến cho các bộ phận như chân, mắt cá chân, bàn tay hoặc khuôn mặt sưng lên. Thận đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Khi chức năng thận bị suy yếu do bệnh tật, chấn thương hoặc các yếu tố khác sẽ không thể loại bỏ hiệu quả lượng nước dư thừa. Kết quả là chất lỏng bắt đầu tích tụ trong các mô, gây ra hiện tượng phù nề.
Phù nề không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến thận. Ngoài ra, phù nề kéo dài cũng có thể gây ra khó chịu, đau nhức, ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.
Mệt mỏi, thiếu năng lượng
Thận, ngoài chức năng lọc máu, còn có vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone erythropoietin (EPO). Hormone này có nhiệm vụ kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu – những tế bào mang oxy đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể.
Khi thận bị suy yếu, khả năng sản xuất EPO giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu hồng cầu. Thiếu máu không chỉ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, uể oải, khó tập trung mà còn làm giảm khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan, đặc biệt là tim và não, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.”
Đau lưng
Đau lưng, đặc biệt là vùng thắt lưng hoặc hai bên sườn, thường là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý về thận. Cơn đau có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức, từ âm ỉ, tức nặng đến đau quặn thắt dữ dội.
Đau lưng do bệnh thận thường kèm theo các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn, tiểu ra máu, tiểu đau, hoặc thay đổi màu sắc nước tiểu. Các bệnh lý về thận có thể gây ra đau lưng bao gồm sỏi thận, viêm thận cấp hoặc mãn tính, nang thận và thậm chí là ung thư thận. Đau có thể lan xuống bẹn, bụng dưới hoặc lan tỏa ra một bên lưng, tùy thuộc vào vị trí của tổn thương.”
Ngứa ngáy
Khi thận suy giảm chức năng, khả năng lọc và loại bỏ các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể cũng giảm theo. Các chất độc này tích tụ trong máu, gây rối loạn quá trình trao đổi chất và làm tăng nồng độ các chất gây ngứa như urê và creatinin.
Da là cơ quan bài tiết lớn thứ hai của cơ thể, do đó, khi thận không làm việc hiệu quả, da phải gánh vác thêm nhiệm vụ loại bỏ độc tố, dẫn đến tình trạng ngứa ngáy. Ngứa có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường tập trung ở những vùng da khô như lưng, tay và chân.