Viettel Post âm thầm ra mắt tính năng hỗ trợ mua hàng từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, rồi chuyển về tận nhà ở Việt Nam
Gần đây, nhiều người dùng phát hiện trên ứng dụng Viettel Post xuất hiện một mục mới có tên Vipo Mall. Giao diện của công cụ này giống như một sàn thương mại điện tử (TMĐT) với dòng giới thiệu rằng đây là giải pháp mua hàng xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện nó chỉ hỗ trợ việc giao dịch trên nền tảng nội địa Trung Quốc nổi tiếng, như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD.com.
Công cụ của Viettel Post xuất hiện cùng thời điểm website TMĐT 1688.com của Alibaba mở đường vận chuyển trực tiếp đến Việt Nam, thanh toán được bằng các thẻ quốc tế. Trước đó, Shopee, Lazada cũng đã có gian hàng được dán nhãn “quốc tế”, bán xuyên biên giới.
Thực tế, những mô hình mua hộ Taobao, vận chuyển đến người dùng Việt Nam đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên, do khác biệt ngôn ngữ, quy trình đặt cọc, thanh toán nhiều bước trung gian nên không phổ biến ở khách hàng đơn lẻ. Các công ty này chủ yếu phục vụ nhóm người bán sỉ.
Giải pháp Viettel Post cung cấp tốt hơn nhờ việc tập hợp sản phẩm từ nhiều sàn TMĐT Trung Quốc. Đồng thời, công cụ cũng dịch tên, thông tin mô tả, tùy chọn khác thành tiếng Việt, quy đổi đơn vị tiền tệ sang VNĐ để khách hàng trong nước tiện thao tác. So với những giải pháp mua hộ khác, công cụ này dễ dùng hơn.
Tuy nhiên, app vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như chức năng tìm kiếm bằng tiếng Việt đề xuất sản phẩm chưa chính xác, không áp được các mã giảm giá của sàn, gian hàng. Nền tảng không đề cập đến việc đổi, trả hàng hóa theo chính sách của các đơn vị TMĐT Trung Quốc. Để mua, khách Việt phải đặt cọc trước đến 70% giá trị đơn hàng.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng không rẻ, 30.000-50.000 đồng cho những sản phẩm kích thước nhỏ, có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng cho món đồ lớn, nặng.
Trao đổi với Tri Thức – Znews về sản phẩm mua hộ, giao hàng xuyên biên giới, đại diện Viettel Post cho biết Vipo Mall vẫn chưa được công bố chính thức, sẽ cung cấp thông tin chi tiết sau. Theo một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, công ty Việt Nam phối hợp cùng Laizanbao, doanh nghiệp lưu ký và TMĐT xuyên biên giới Trung Quốc.
Tại Việt Nam, nền tảng Fado cũng từng được quan tâm khi nhận mua hộ hàng hóa từ sàn Amazon và giao đến người dùng trong nước.
Theo ông Đỗ Quang Huy, Thạc sĩ chuyên ngành TMĐT, với sự xâm nhập của các nền tảng TMĐT Trung Quốc cùng dịch vụ mua hộ chuyên nghiệp, các đơn vị vận chuyển nhỏ lẻ có thể bị tác động lớn trong tương lai gần. Ngoài ra, thị trường kinh doanh online trong nước cũng đối mặt với nhiều đối thủ hơn.
Viettel Post hiện là công ty bưu chính, chuyển phát có thị phần lớn nhất tại Việt Nam với 17,2%, theo dữ liệu từ Vietdata.