Loại cỏ đắt hơn vàng ròng
Đông trùng hạ thảo là sự hợp sinh giữa nấm và sâu vô cùng đặc biệt. Vào mùa đông ẩm ướt, trông bề ngoài chúng sẽ giống như những con côn trùng (động vật). Do sâu non nằm dưới đất, nấm kí sinh lên sâu non và hút dinh dưỡng khiến sâu chết dần. Nhưng đến mùa hè, nấm mọc ra khỏi sâu thành ngọn cỏ (thực vật/thảo mộc), vươn lên khỏi mặt đất và phát tán các bào tử.
Theo Đông y, đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm với tính cam, vị bình, có khả năng bổ phế, ích thận. Nó giúp cầm máu, tiêu đờm, giảm ho kéo dài, hen suyễn, và hỗ trợ trị nhức mỏi lưng, đau đầu gối.
Đông trùng hạ thảo là sự hợp sinh giữa nấm và sâu vô cùng đặc biệt. Ảnh: Internet
Trong khi đó, Tây y đã chứng minh đông trùng hạ thảo chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là Cordycepin. Nghiên cứu khoa học cho thấy, thảo dược này có khả năng ức chế sự sinh trưởng của nhiều loại vi khuẩn. Đặc biệt, axit cordycepic chiếm khoảng 7% trong đông trùng hạ thảo, đã được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị ung thư.
Trong số các loại đông trùng hạ thảo thì đông trùng hạ thảo Tây Tạng, hay còn gọi là sâu cỏđược coi là “tiên dược” tự nhiên, có chất lượng tốt nhất. Bởi, khu vực Tây Tạng có độ cao khoảng 4.500-6.000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm là 0-3 độ C, rất ít người sinh sống, môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm, là điều kiện lý tưởng để đông trùng hạ thảo cho chất lượng tối ưu.Đây là lý do khiếnloại sâu cỏ có xuất xứ từ vùng Tây Tạng này được giới nhà giàu săn mua, dù giá đắt đỏ hơn vàng ròng.
Tại Việt Nam, đông trùng hạ thảo thường có giá dao động từ 100-500 triệu đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo Tây Tạng – được coi là loại quý hiếm nhất – có giá khởi điểm khoảng 700 triệu đồng/kg, với loại đắt nhất lên tới 2,2 tỷ đồng/kg, tương đương giá trị của một căn hộ chung cư.
Loại đông trùng hạ thảo Tây Tạng đắt nhất lên tới 2,2 tỷ đồng/kg, tương đương giá trị của một căn hộ chung cư. Ảnh: Internet
Chị Dương Cẩm Tú, một người kinh doanh đông trùng hạ thảo tại Quận 1 (TP.HCM) chia sẻ rằng đông trùng hạ thảo Tây Tạng luôn trong tình trạng “cháy hàng”, đặc biệt trong các dịp Tết Nguyên đán.
Chị Tú cho biết, đông trùng hạ thảo Tây Tạng được phân thành nhiều loại với giá cả khác nhau. Loại D, rẻ nhất, có giá 7 triệu đồng/10g (60-65 con); loại C là 8,5 triệu đồng/10g (50-55 con); loại B giá 10 triệu đồng/10g (khoảng 40 con); và loại A giá 12 triệu đồng/10g (26-30 con). Loại vip có giá 16 triệu đồng/10g (22-25 con), tương đương 1,6 tỷ đồng/kg. Cuối cùng, loại thượng hạng có giá 22 triệu đồng/10g (18-20 con), tức khoảng 2,2 tỷ đồng/kg.
Chị Tú cũng chia sẻ. “Thông thường, khách hàng chỉ mua loại tầm trung, giá dưới 1,2 tỷ đồng/kg, và mỗi lần chỉ mua vài chục gram đến dưới 1 lạng. Các loại này có sẵn, không cần đặt trước.Tuy nhiên, đối với loại vip và thượng hạng là những hàng tuyển chọn hiếm có khách hàng phải đặt trước và thậm chí cả năm mới có hàng”.
Nông dân Việt Nam kiếm tiền tỷ nhờ cỏ quý
Là kỹ sư công nghệ sinh học, Võ Thu Thủy (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) dấn thân vào địa hạt nông nghiệp công nghệ cao và có được doanh thu tiền tỷ.
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2016, Thủy bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Nông – Lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên. Chính tại đây, cô có cơ hội tiếp cận và học hỏi quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo hiện đại và bài bản. Sau hai năm làm việc, Thủy quyết định trở về Quảng Nam để theo đuổi giấc mơ làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Với số vốn vay mượn từ gia đình và bạn bè, đầu năm 2019, Thủy mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, lắp đặt phòng nuôi cấy và liên hệ các nguồn nguyên liệu. Cô thành lập cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Duy Lợivới diện tích hơn 100 m² trên mảnh đất của gia đình. Đến năm 2022, nỗ lực của Thủy tiếp tục được nâng cao khi cô thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp – Dược liệu Tam Anh Nam, chuyên cung cấp sản phẩm đông trùng hạ thảo hữu cơ, khẳng định vị thế trên thị trường.
Nông dân Việt Nam thành công với sản phẩm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Báo Quảng Nam
Theo báo Quảng Nam, quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của cô Võ Thu Thủybắt đầu từ việc sử dụng nguyên liệu gạo Thiên Ưu và nhộng tằm xay nhuyễn. Hỗn hợp này sau đó được hấp tiệt trùng và cấy giống nấm đông trùng hạ thảo. Quá trình nuôi trồng kéo dài 80 ngày, trong điều kiện nhiệt độ từ 19 – 22 độ C và độ ẩm dao động 80 – 85%. Khi đạt tiêu chuẩn, nấm sẽ được thu hoạch và sấy bằng máy sấy thăng hoa để giữ trọn vẹn giá trị dinh dưỡng.
Mỗi vụ, cơ sở sản xuất được khoảng 56kg nấm đông trùng hạ thảo. Hiện nay, Thủy đang cung cấp ra thị trường 4 dòng sản phẩm chính: nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, bánh đông trùng hạ thảo và nước đông trùng hạ thảo.
Mô hình kinh doanh của cô mang lại doanh thu ấn tượng khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm ổn định và thời vụ cho 5 lao động địa phương.
Chị Thủy chia sẻ: “Tôi đang nâng cấp sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa từ tiêu chuẩn 3 sao lên 4 sao OCOP. Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất và cải tiến thiết bị, công nghệ, nhằm đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế”.