Quán bún ốc cô Huệ ở Nguyễn Siêu, bún ốc Thúy ngõ chợ Đồng Xuân, bún ốc nguội Tây Sơn,… là những địa chỉ bún ốc ngon ở Hà Nội, được lòng thực khách gần xa.
Bún ốc cô Huệ
Quán bún ốc cô Huệ nằm trên phố Nguyễn Siêu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được đánh giá là có hương vị chuẩn truyền thống, ngon, giá cả hợp lý.
Có tuổi đời hơn 35 năm, bún ốc ở đây được thực khách ưa chuộng bởi nước dùng thanh, trong và ngọt tự nhiên, được pha chế từ nước luộc ốc, cà chua, giấm bỗng. Đặc biệt quán không dùng mì chính như ở nhiều nơi khác.
Chủ quán cho biết, mỗi ngày quán nhập 400kg ốc (cả vỏ) làm nguyên liệu. Muốn có món bún ốc ngon thì con ốc phải thơm, béo và giòn.
“Người Hà Nội xưa không chỉ ngâm ốc bằng nước vo gạo để ốc nhả hết chất tanh mà còn ngâm bằng bỗng rượu”, chủ quán nói.
Đặc biệt, quán còn có thêm chả ốc, làm theo công thức riêng, rất được lòng thực khách.
Bún ốc được ăn kèm rau sống, ớt chưng hay mắm tôm, tuỳ khẩu vị của khách hàng. Quán cũng phục vụ bún ốc nguội. Bát nước dùng có màu cam nhẹ, đun hơi ấm và có mùi giấm bỗng thơm thoang thoảng.
Quán bún ốc Thúy
Quán bún ốc Thúy ở ngõ chợ Đồng Xuân đã có tuổi đời khoảng 70 năm. Thực khách chấp nhận gửi xe, đi bộ, len qua con ngõ đông đúc để xếp hàng thưởng thức bún ốc nơi đây bởi hương vị bún truyền thống đặc trưng.
Ngay cả trong mùa hè oi bức, quán ăn rộng 15m2 này vẫn chật cứng khách, người này đứng lên, người khác lập tức thế chỗ.
Chị Huyền, chủ quán hiện tại là đời thứ ba trong gia đình giữ nghề bán bún ốc. Quán phục vụ bún ốc truyền thống và bún ốc chuối đậu. Bát bún không thêm giò, thịt bò, chả như nhiều nơi.
Nước dùng trong, đậm đà được ninh từ xương ống. Vị chua nhẹ đến từ cà chua và thoang thoảng mùi nếp cái dùng làm giấm bỗng. Tại quán cũng không phục vụ chanh, quất mà sử dụng me hoặc sấu ủ theo từng mùa. Chủ quán cho hay, vị chua từ chanh, quất có thể lấn át mùi bỗng đặc trưng trong bát bún.
Quán mở cửa từ 7h30 – 17h30, trong đó từ 11 – 13h là thời gian cao điểm.
Bún ốc nguội Tây Sơn
Quán bún ốc nguội không biển hiệu, chỉ đặt đồ trên đôi quang gánh bằng tre trong ngõ 176 phố Tây Sơn (quận Đống Đa) là địa điểm quen thuộc với nhiều thực khách.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường và chị gái là đời thứ ba tiếp quản gánh bún ốc nguội này. Bún ốc nguội được chế biến từ hai loại chính là ốc vặn (ốc nhỏ) và ốc mít (ốc lớn).
Ốc được ngâm từ tối hôm trước, đến 5h sáng hôm sau mới bắt đầu các công đoạn rửa, luộc. Thời gian luộc khoảng 15 phút để loại bỏ hết nhớt và mùi tanh. Thịt ốc được loại bỏ phần đuôi để không sạn và tanh.
Nước luộc ốc được lọc kỹ để loại bỏ bọt và cặn, sau đó thêm bỗng rượu, dầu điều tạo màu, thêm gia vị theo công thức gia truyền.
Ốc vặn được chủ quán khều thịt trước một lượng nhỏ và bảo quản trong hộp nhựa có nắp, giúp phần thịt không bị khô.
Với ốc mít, khách gọi món, chủ quán mới bắt đầu nhể và múc nước canh từ chum gốm chan vào bát. Kèm theo nước dùng ốc là đĩa bún rối, ớt chưng tự làm. Món ăn này không có hành lá, cà chua, rau sống.
Bún ốc Lượng
Nằm trong con ngõ 12, phố Đào Tấn (quận Ba Đình), quán bún ốc Lượng thu hút rất đông thực khách. Chị Lượng – chủ quán là đời thứ 3 trong gia đình bán bún ốc.
Một tô bún ốc ở đây có đầy đủ ốc, riêu, đậu rán, thịt bò chần, trứng vịt lộn, giò. Nhưng nhiều người tìm tới quán lại ưa thích món bún riêu cua “nguyên bản”, không có quá nhiều đồ ăn kèm.
Theo chủ quán, ốc phải chọn ốc mít tươi, tuyệt đối không dùng hàng đông lạnh. Nếu dùng hàng đông lạnh ốc sẽ không ngọt, mất mùi thơm đặc trưng.
Nồi nước dùng của quán, ngoài phần cua còn có xương lợn, cà chua, giấm bỗng. Phần giấm thanh được nêm nếm sao cho độ chua vừa đủ, không quá gắt. Đậu chỉ rán vừa tới để mềm, xốp, không bị khô.
Giá mỗi bát bún ốc dao động từ 35.000 đến 65.000 đồng.
Bún ốc bà Nhung
Quán bún của bà Trần Thị Tuyết Nhung có đủ bún ốc, bún chả que tre, bún riêu cua bò và nem cua bể.
Trong đó, bún ốc được nhiều thực khách ưa thích bởi nước dùng ngon, vừa miệng, hơi chua chua, thơm nhẹ vị giấm bỗng. Ốc nhồi béo mũm, được làm rất sạch nên không bị sạn, ăn vừa giòn vừa thấy có vị ngọt.
“Bán ở đây có một cái tiện, làm tới đâu bán tới đó, hết đồ lại chạy ra chợ mua về chế biến. Vì thế mà đồ luôn tươi”, bà Nhung cho hay.