Ảnh minh họa
Vừa đau lưng vừa đau bụng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.
1. Sỏi thận
Sỏi thận là khối rắn hoặc tinh thể hình thành từ các chất (như khoáng chất, axit và muối) trong thận
Với sỏi thận, thường sẽ bị đau lưng dưới dữ dội ở bên trái hoặc bên phải, hoặc cả hai bên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan đến vùng bụng. Ngoài ra, sỏi thận có thể gây viêm ở thận, bàng quang và niệu quản, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây đau bụng trên.
Các triệu chứng khác của sỏi thận bao gồm:
+ Buồn nôn và nôn
+ Nước tiểu có máu
+ Đau khi đi tiểu
+ Không thể đi tiểu
+ Cảm thấy buồn tiểu nhiều
+ Sốt hoặc ớn lạnh
+ Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
Cách điều trị
Nếu sỏi thận nhỏ, bạn có thể theo dõi và xem chúng có được bài tiết qua nước tiểu không. Nếu sỏi lớn hơn tùy thuộc vào kích thước, vị trí, có gây nhiễm trùng hay triệu chứng hay không và các yếu tố khá, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
Nếu bạn bị sỏi thận có thể tự đào thải và không gây nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn và sử dụng thuốc.
Nếu bạn có sỏi thận không thể tự đào thải hoặc đang chặn đường tiết niệu, bác sĩ sẽ đề xuất một thủ thuật để phá vỡ hoặc loại bỏ sỏi.
2. Các vấn đề về cột sống
Thoái hóa cột sống gây đau lưng gần cổ hoặc lưng dưới. Mặc dù các vấn đề về cột sống chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống, nhưng cơn đau cũng có thể lan đến bụng.
Tủy sống có chức năng gửi các tín hiệu thần kinh đi khắp cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Do đó, bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến chức năng của tủy sống và sự giao tiếp thích hợp giữa các dây thần kinh đều có khả năng gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
Chấn thương tủy sống, đĩa đệm bị chèn ép hoặc thoát vị – tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của thoát vị và dây chằng bị căng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.
Chẳng hạn, đĩa đệm thoát vị có thể lồi ra và gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, nhu động ruột quá mức.
Cách điều trị
Bạn nên đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để chụp X-quang cột sống dưới để xác định xem có bất kỳ thay đổi nào có thể nhìn thấy được không. Cơn đau có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc vật lý trị liệu để cải thiện tư thế và ngăn ngừa tình trạng xấu đi hoặc biến chứng (như thoát vị đĩa đệm hoặc gai xương).
3. Đầy hơi
Trong một số trường hợp, sự tích tụ khí trong ruột có thể gây đau lưng và đau bụng. Cơn đau do đầy hơi có thể xảy ra dữ dội.
Ngoài đau bụng và đau lưng, các triệu chứng phổ biến khác của đầy hơi bao gồm: ợ hơi, chướng bụng, xì hơi nhiều.
Cách điều trị
Uống trà thì là và đi bộ khoảng 40 phút có thể có lợi trong việc loại bỏ khí một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu cơn đau không thuyên giảm, bạn có thể thử uống nước ngâm mận, giúp thúc đẩy nhu động ruột và đẩy khí ra ngoài. Ăn các bữa ăn nhẹ và tươi như trái cây và rau, và uống từng ngụm nước nhỏ trong suốt cả ngày. Uống trà hoa cúc hoặc trà tía tô đất cũng có thể giúp giảm đau.
4. Viêm túi mật
Viêm túi mật chủ yếu do sỏi mật gây ra – sỏi mật gây ra 95% các trường hợp viêm túi mật. Viêm túi mật có thể gây đau bụng trên – đặc biệt là ở phía trên bên phải, buồn nôn hoặc nôn, sốt, chướng bụng. Các triệu chứng này thường xảy ra sau bữa ăn nhiều chất béo. Viêm túi mật cũng có thể vừa gây đau bụng vừa gây đau lưng.
Cách điều trị
Một số phương pháp điều trị viêm túi mật tại bệnh viện:
+ Truyền dịch tĩnh mạch (IV) trong khi hệ tiêu hóa của bạn được nghỉ ngơi.
+ Tiêm kháng sinh tĩnh mạch để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.
+ Thuốc giảm đau tĩnh mạch mà hầu hết mọi người đều cần.
Phương pháp điều trị dứt điểm viêm túi mật là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Hầu hết các nguyên nhân gây viêm túi mật, bao gồm sỏi mật, đều bắt nguồn từ chính túi mật của bạn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật có thể không cần thiết nếu viêm túi mật của bạn do một nguyên nhân có thể điều trị riêng, như nhiễm trùng không liên quan đến sỏi mật. Bạn cũng có thể cần phải trì hoãn hoặc không phẫu thuật dựa trên các tình trạng sức khỏe khác.
5. Bệnh đường ruột
Các bệnh về đường ruột, như hội chứng ruột kích thích, trĩ, túi thừa, viêm loét đại tràng, … thường gây ra đau bụng có thể lan tỏa ra sau lưng. Ngoài đau bụng và đau lưng, bạn cũng có thể bị đau bụng dưới, phân mềm hoặc cứng và đầy hơi.
Bạn nên theo dõi các triệu chứng đường ruột và cố gắng xác định nguyên nhân gây táo bón, đầy hơi hoặc tiêu chảy. Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra, xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
6. Viêm tụy
Viêm tụy là tình trạng viêm ở tuyến tụy, gây sưng và đau, đặc biệt bạn có thể cảm thấy đau bụng lan đến lưng. Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mãn tính.
Các triệu chứng của viêm tụy cấp có thể bao gồm:
+ Buồn nôn và nôn mửa
+ Nhịp tim nhanh
+ Thở nhanh và nông
+ Sốt
Các triệu chứng của viêm tụy mãn tính có thể bao gồm:
+ Khó tiêu và đau sau khi ăn
+ Mất cảm giác thèm ăn và sụt cân không mong muốn
+ Phân có nhiều chất béo để lại lớp màng nhờn trong bồn cầu
+ Chóng mặt (do huyết áp thấp)
Đây là những triệu chứng cho thấy chức năng tuyến tụy của bạn bắt đầu suy yếu.
Cách điều trị
Việc điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và các enzyme cụ thể để thúc đẩy chức năng tuyến tụy tốt. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm (ví dụ tắc nghẽn, khối u hoặc nhiễm trùng), có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc thậm chí can thiệp phẫu thuật. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn chế độ ăn uống cho bệnh viêm tụy giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh trở nên tồi tệ hơn.
7. Viêm bể thận
Nhiễm trùng thận (viêm bể thận) là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Vi khuẩn gây ra tình trạng này khi chúng di chuyển từ một bộ phận khác của cơ thể, như bàng quang, lên một hoặc cả hai quả thận của bạn.
Tình trạng này thường có thể gây đau lưng dữ dội (ở bên thận bị ảnh hưởng), đau bụng dưới, sốt cao kèm theo ớn lạnh hoặc run rẩy, khó chịu, buồn nôn và nôn, đau khi đi tiểu, nước tiểu có máu hoặc mùi hôi, muốn đi tiểu gấp và thường xuyên.
Cách điều trị
Viêm bể thận được điều trị bằng kháng sinh. Bạn sẽ phải dùng thuốc kháng sinh trong ít nhất 14 ngày. Nếu bệnh nặng hoặc không thuyên giảm khi dùng thuốc kháng sinh, bạn có thể cần phải điều trị tại bệnh viện hoặc dùng thuốc kháng sinh lâu hơn.
8. Đau lưng
Đau lưng thường là đau lưng dưới, tuy nhiên cơn đau này cũng có thể cảm thấy ở giữa lưng, đặc biệt là sau khi gắng sức quá mức như đi lên cầu thang hoặc mang vác túi nặng. Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài có thể làm cơn đau trở nên tồi tệ hơn, khiến cơn đau lan ra bụng.
Nếu cơn đau lan ra mông hoặc chân, thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm dây thần kinh tọa.
Cách điều trị
Bạn có thể chườm ấm để làm giảm các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, các cơn đau ở mức độ nặng hơn cần can thiệp điều trị từ bác sĩ như vật lý trị liệu, phẫu thuật, châm cứu,…
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ khi cơn đau lưng lan ra bụng và có các đặc điểm sau:
– Cơn đau dữ dội và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bạn, như ăn, ngủ hoặc đi bộ
– Cơn đau xuất hiện sau khi ngã, bị thương hoặc bị đánh
– Cơn đau không thuyên giảm và nặng hơn sau 1 tuần
– Gặp các triệu chứng khác như đại tiện hoặc tiểu không tự chủ, sốt, ngứa ran ở chân hoặc tiêu chảy.
Trong những trường hợp này, cơn đau có thể do các tình trạng nghiêm trọng hơn gây ra, như viêm cơ quan hoặc ung thư. Do đó, bạn nên đến bệnh viện để xét nghiệm (ví dụ chụp X-quang hoặc siêu âm) và biết chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị sớm.